Month: September 2019

Hàn Tín luồn trôn

nguyên bản : Phù Trung Hầu Liệt Truyện
Đoan Hùng

Phù Trung Hầu Hàn Tín, người nước Việt, tính thâm trầm, chí lớn hơn người. Thủa hàn vi, ngày ngày đọc sách, luyện kiếm, chờ thời làm nên đại sự. Thời niên thiếu, bố mẹ mất sớm, nghèo khổ nhưng vẫn nuôi chí lớn, nhất định không thèm xin vào làm công nhân ở các đặc khu kinh tế. Đói khổ, Tín thường đến xin ăn nơi quán cơm tấm sườn bì của bà Tư Phiếu, còn gọi là Phiếu Mẫu, và hứa hẹn sau này làm nên nghiệp lớn sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà Tư trách:
Cậu là thanh niên trai tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi giúp cậu chỉ vì thấy tội nghiệp chứ có mong cậu báo đáp làm chi!

Hàn Tín lạy tạ, và ngày ngày vẫn đeo gươm dạo chợ Cầu Ông Lãnh, chờ thời.
Trong số những người hàng thịt ở chợ có một người trẻ tuổi trêu Tín nói :
– Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi.

Vì Đại Cuộc
Đại Trượng Phu nào có xá chi!

Y làm nhục Tín trước mặt mọi người :
– Tín! Mày dám chết thì hãy đâm tao! nếu không dám chết thì luồn dưới háng tao đây!
Thế là Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng.
Cả chợ đều cười Tín là nhát gan.
Không ai để ý là lúc chui qua háng, Tín vẫn mặt mũi uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược,
Lẩm bẩm câu
« Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».

Lại nói về Hàn Tín, tuy nghèo khổ nhưng trong làng có một cô gái xinh đẹp, biết kẻ anh hùng nên gá nghĩa cùng Tín.
Ngày ngày nàng chăm lo đồng áng, để Tín đọc sách và mang gươm dạo chợ.
Gã hàng thịt, ngày nọ chặn đường Tín và bảo :
Này Tín! Mày không nuôi nổi thân! Nói gì nuôi vợ? Ta sắp tổ chức tuyển vợ cho đại gia nước lạ. Mày vốn xưng anh hùng, sao để lụy nữ sắc !?
Tín ngẫm nghĩ hồi lâu, nét mặt uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược.
Lẩm bẩm câu
« Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».
Tín trở về nhà bàn đại sự với vợ.
Nàng vật vã khóc lóc, nhưng cũng hiểu chí lớn của kẻ anh hùng chưa gặp thời, bịn rịn chia tay cùng Tín.
Tín thề nguyền, hẹn khi làm nên nghiệp lớn sẽ đón nàng về. Nàng khóc lớn chia tay hẹn ngày tái hợp, đại đoàn viên.
Vợ Tín đi đâu không ai rõ. Có kẻ bảo nàng sang nước Đài, kẻ bảo nàng sang nước Hàn.
Tín vẫn hàng ngày, nuôi chí lớn, dùi mài binh thư Tôn Tử, luyện kiếm đeo gươm dạo chợ. Gã hàng thịt thấy ngứa mắt lại bảo :

Chi bằng trong lúc đợi thời mày về làm tôi tớ cho ta!

Này Tín ! mày không nuôi nổi thân ! Nói gì đến nghiệp lớn ! Chi bằng trong lúc đợi thời mày về làm tôi tớ cho ta, thui lợn , mổ thịt, lại có miếng ăn.
Tín ngẫm nghĩ hồi lâu, nét mặt uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược.
Lẩm bẩm câu
« Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».
Từ đó, Tín về làm đầy tớ cho gã hàng thịt, ngày ngày quét chợ, bồng em, nấu bếp, chùi nhà.. không việc bé nào không làm.
Tối đến, múa gươm dưới ánh trăng, lại suốt đêm đọc binh thư Tôn Tử.
Lúc buồn ngủ thì lấy chùy đâm vào đùi đến chảy máu để tỉnh táo tu luyện.
Ngày ngày vừa thui chó Tín vừa trợn mắt, râu tóc dựng ngược, khảy đàn cầm, hát vang cả chợ.
« Tráng sĩ thui chó hề ! có xá gì !
Đại cục tại tâm hề ! ta cứ đi !
Chữ vàng lấp lánh hề !..».

Làng xóm bây giờ ai nấy cũng hiểu Tín và hết lòng khâm phục chí lớn kẻ trượng phu.
Thấm thoát ngày qua, Tín đã già.
Một đêm sau khi múa hết mười sáu bài quyền kiếm, đọc hết mười tám quyển binh thư, Tín lăn ra đột quỵ.


Xuống âm phủ, biết Tín là người hiền, Diêm Vương phong ngay cho Tín làm Phù Trung Hầu, giữ chức Phán Quan, quyền cao chức trọng nhất cõi âm.
Lúc Phiếu mẫu quy tiên, Tín đền ơn.
Cho bà Tư Phiếu vốn nghề quán cơm tấm, lãnh thầu dịch vụ nấu cháo lú cho cả cõi âm.
Gã hàng thịt tuy khỏe mạnh nhưng cũng không tránh khỏi ngày chầu âm phủ.
Lúc vào Phán Quan Đường gã quỳ mọp, lúc ngẩng dầu lên thấy phán quan là Tín, mặt gã tái như chàm đổ, ngỡ phen này sẽ bị bỏ vào vạc dầu đời đời kiếp kiếp.
Nào ngờ, Phù Trung Hầu Tín vội vã nâng hắn lên và bảo :
« Mười sáu chữ vàng ! Bốn tốt ! Bốn hữu ! hữu nghị ! Ni hảo ? Ni hảo ? »
Lại bảo : nhờ có ngươi mà ta nuôi chí thành nghiệp lớn… ta phải cảm ơn ngươi chứ !
Nói đoạn, Tín mời gã hàng thịt thay mình làm phán quan.
Còn Tín, cùng người vợ xưa, trải qua bao năm làm dâu xứ lạ, nay cũng về âm phủ, đại đoàn viên cùng Tín.
Cả hai cùng nhau cưỡi hạc về trời, về cõi tiên, tiếng đàn tiếng sáo vang rền khắp chốn thiên cung !

Cả âm lẫn dương gian, lúc ấy mới hiểu chí lớn kẻ anh hùng.

Hán Tín tiễn vợ đi làm dâu nước Lạ

Đăng lần đầu năm 2014 tại Diễn Đàn –
https://www.diendan.org/sang-tac/han-tin-luon-tron

Hậu Kim Vân Kiều

Đoan Hùng

Nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人) thực ra dài hơn của Nguyễn Du. Cuộc đời nàng Kiều “đại đoàn viên” là do Nguyễn Du thích có “hậu” mà bịa ra.  Thực ra nó như thế này :

Lại nói về Thúy Kiều chạy đùng đùng ra sông Tiền Đường tự vận.

Rớt xuống nước cái tùm, rủi hồi nhỏ ba Vương đã dạy bơi, bơi giỏi như rái cá. Cố hoài hổng sao chìm nổi, bèn xét lại.. hổng lẽ chết lãng xẹt một cách “nửa đời hương phấn” như dzậy sao! Nghĩ vậy nàng lại bơi vào bờ. Vừa lóp ngóp leo lên thì té ra là một quán nhậu “sinh thái” ven bờ sông .. Sài Gòn. Tình cờ gặp ngay Mã Giám Sinh đang ngồi nhậu với Sở Khanh.

Quán nhậu ven sông
Kiều gặp Mã và Sở nơi đây

Mã bây giờ là đại gia địa ốc còn Sở Khanh bây giờ làm giám đốc quy hoạch kiêm bí thư PMU35, cả hai đang ngồi bàn “dự án” với các “anh Sáu”, “anh Tư”… Xung quanh la liệt Chivas 21, hàng két bia Tai Gờ, Ken  và hàng tá các em người mẫu “chân dài đến nách, miệng rộng đến tai“, xinh như mộng !

Cả bọn , ai nấy mặt mày đỏ ké .. “dzô .. dzô“…, tay chân quờ quạng….

Tưởng cũng nên nhắc lại là Tú Bà sau bao thăng trầm nay là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị công ty TNHH Saigon Fashion and Model Agency. Chị Hai Tú cũng là má Mì của các em chân dài phục vụ cho hội nghị nhậu bữa nay. 

Kiều nhờ lại chuyện xưa, lòng xúc động tới gần định hỏi thăm người xưa.Hai gã Mã, Sở nay bụng bự, mặt mũi phương phi, nung núc thịt, đầu hói rọi , nhưng nhờ dinh dưỡng tốt nên nom còn phong độ chán. Nào ngờ hai gã chẳng nhận ra “người xưa”, Sở Khanh xua tay bảo :

« Bà già ! Không mua vé số đâu ! ».

Các em chân dài cười he hé ..

«Ngoại ơi, ngoại đi đâu mà dzô đây đó? Có vé số hông .. con mua cho ngoại !».

Nói rồi nàng thì cầm đũa gắp tôm sú hấp bia vào miệng họ Mã,  « ăn nữa đi cưng ! », nàng thì quàng vai nâng cốc rót vào miệng họ Sở : « Uống nữa đi anh Khanh.. Anh đẹp trai wá xá nè, uống nữa đi .. em thương nè, em chìu nè ».

Buồn quá, Kiều ra đường bắt xe ôm đi về am của vãi Giác Duyên trong hẻm bên Phú Nhuận mà xin tá túc. Kiều ở đó thiền với sư ông Nhị Hạnh được đúng ba ngày rồi.. cũng ớn ! Quỳ miết hai đầu gối mỏi rụi, ăn uống thì toàn là đậu phụ, tương cà. Thiệt là chịu hổng thấu !

Am vãi Giác Duyên bên Phú Nhuận

Chưa dứt lòng trần, nàng từ giã vãi Giác Duyên ra bến xe miền đông, bắt xe đò lên Tây Ninh. Lại  nói về Từ Hải sau khi lao đông học tập cải tạo thì về đó đi tu, luyện võ miên, luyện gồng cà tha đợi ngày phục hận. Từ Hải tuy nay tóc bạc trắng nhưng chưa hói .. vẫn còn râu hùm hàm én mày ngài, đẹp lão mình ở trần, bắp thịt cuồn cuộn, còn xâm con cọp há mồm trông thiệt ngầu! Nghe Kiều kể lể về hai thằng họ Mã họ Sở, Từ Hải nổi giận đùng đùng : « Ta đây .. Từ Hải ! Dọc ngang nào biết có ai trên đầu ! ».

Từ Hải

Chàng co một giò theo thế kim kê độc lập, rút dao Thái Lan sắc lẻm ra huơ một dzòng và quát lên : 

« Ui Da ! ».

Kiều hoảng kinh hỏi : « Sao dzậy ? Mèn ơi ! Chàng có làm sao hông ? ».

Từ Hải thều thào than thở : « Ta bị thoát vị cột sống ! Nàng chờ ta dăm ngày cho cái lưng đỡ đau rồi sẽ lên Sài gòn lột da chúng nó ! ».

Kiều ở lại núi Bà Đen, ngày ngày mát xa, giác hơi cho Từ Hải mà sau bảy ngày cái lưng chàng vẫn đau như dần, cái cổ cứng đơ. Muốn ngoái cổ phải .. xoay cả người, lỡ ngồi xuống ghế thì phải  vịn bàn mà .. từ từ mà đứng dậy

Thất vọng quá, Kiều xin từ giã, trở về Hà Nội gặp Thúy Vân.

Nói về chàng Kim sau ngày ngỏ lời với Kiều mà nàng cự tuyệt, chàng được cử sang Liên Xô làm Tiến Sĩ. Nay chàng đang công tác tại Bộ 4T, vẫn giữ lòng trong sạch, đã được phong « nhà giáo nhân dân », lâu lâu viết một vài bài báo cho vui. Cuộc sống tuy thanh bạch nhưng cũng… được,  nhờ Thuý Vân tần tảo mở một tiệm bán Sim cạcMô bai, hai tiệm áo quần thời trang. Hai chị em hàn huyên hàng giờ, Kiều ngỏ ý tiếc rằng ngày xưa đã cự tuyệt Kim Trọng chứ không thì nay đã « có chị có em ». Vân thở dài bảo :  « Thôi chị ơi ! ảnh hết gân rồi, chỉ mình em mà ảnh đã bữa có bữa không huống hồ thêm chị chắc em goá sớm ».

Kiều thầm thì  : « Thì chị em mình cũng già rồi, đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ cũng có sao đâu, hủ hỉ có nhau ».

Vân chán nản bảo : « Ở đó mà cầm kỳ ! Già sanh tật ! Lão ấy bây giờ suốt ngày lê la với đám bạn già ở quán nhậu, nói một tấc tới trời, mấy chả toàn lo việc lớn không hà ! Việc nhà, tiền nong, bếp núc, con cái chỉ mình  em lo, mệt dzà rầu muốn chết ! ».

Thúy Kiều rầu quá, về lại Sài Gòn sanh sống. Lâu lâu quởn, rủ đám Mã Kiều và các chị em bạn già, cô già ra chợ ăn bún mắm và «tám chuyện» kể tội lũ đờn ông.

Dzô! Dzô đi các bà!
Có chị có em là đủ rồi.
Hổng cần thằng con .. nào hết nha
DZÔ