Month: October 2019

Truyền thống “sách vở” của Tây Phương

Khi anh Tây nào đó khen người Việt chúng ta là “ham học”, “cần cù”, “thông minh”.. thì tôi rất.. sướng!
Quả thế! Ai mà chả sướng?
Thú thật đi! Nếu bạn bảo không sướng, tôi không tin!
Khi nó hỏi về VN ra sao ,tôi bảo tụi tao có “4000 năm văn hiến”.
Nó trợn tròn con mắt. Nó hỏi gặng, thế cái 4000 năm nó ra thế nào?
Thì tôi bắt đầu ú ớ! Chả là tôi chỉ có thể nói về bà Trưng bà Triệu. Nói về ba lần chống Mông Cổ, dân tộc Việt Nam anh hùng vân vân và vân vân.


Thế nhưng nếu nó hỏi tiếp , thế thì người Việt , cách đây 100 năm sống ra sao?
Mình bảo “nheo nhóc, khổ sở vì thực dân Pháp đô hộ”.
Nó lại hỏi tiếp. OK! Chuyện đó tao biết rồi! Tao muốn hỏi mấy thứ tầm thường kia! Như sống ra sao? làm nghề gì? Ăn mặc ra sao? Các ông vua , hoàng hậu của tụi bay ăn mặc như thế nào?
-Ừ! Thì bà hoàng hậu đội cái khăn vành dây, như mày thấy mấy cô.. hoa hậu chân dài bây giờ đó!
-Đẹp quá! Tao còn thấy hình mấy thằng tây nó chụp bà hoàng hậu Nam Phương rồi. Nhưng còn trước đó, ra làm sao?

Tới đây là tôi tịt! Tôi chỉ biết là đến cả.. Hai Bà Trưng cũng phải đội khăn vành dây!

Ký ức về cuộc sống cụ thể của người Việt có lẽ không xa quá 100 năm.Hãy kiểm lại trước nhất là về hình ảnh.
Nếu chẳng những so Tây phương mà với Nhật,Hàn.. thì Việt Nam không có hội họa, điêu khắc chuyên nghiệp. Không kể một số tranh, tượng thờ, tôn giáo, tranh dân gian. Mặc dù tính nghệ thuật có thể vẫn cao, thế nhưng sự thiếu vắng cái “chuyên nghiệp”, chỉ có nghệ nhân, không có họa sĩ, điêu khắc gia khiến cho ta không biết đời xưa các cụ ăn mặc như thế nào, sống ra sao.. và yêu đương thế nào?
Sách vở xưa cũng thế, chỉ thuật lại những chuyện chính trị, quân sự .. là chính. Ngay cả những bậc bác học như Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Hải Thượng Lãn Ông vv cũng để lại trong tác phẩm của họ như “kiến văn tiểu lục”, “vũ trung tùy bút” ..vv rất sơ lược về đời sống hàng ngày cụ thể.
Mà chính cái đó là phần không thể thiếu của “văn hiến”, của “văn minh”!

Ngày nay, nếu ta muốn biết một người thợ thủ công thế kỷ 19 đục gỗ ra sao, xem sách,ảnh,tranh của .. Tây! Muốn biết các cụ đi thi hương thế nào? các quan ăn mặc ra sao? xem sách Tây! Thậm chí, muốn có bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa .. từ bốn, năm trăm năm trước? xem bản đồ Tây.

Thi hương ở Nam Định , 1897 , Ảnh của Pháp

Dạo sau này, ở Việt Nam đã có một số sách người Tây Phương viết về Việt Nam được xuất bản như của White,Baron,Borri.. đọc rất thú vị.
Quyển tôi yêu thích nhất là quyển của Christophoro Borri viết về xứ đàng trong ( miền trung VN) năm 1621.
Ông là một tu sĩ ngưới Ý, sang Việt Nam giảng đạo cách đây gần bốn thế kỷ.
Ông sống hòa nhập và rất yêu dân Việt. Ông hòa nhập đến nỗi là khi mới đến, là Tây đi giày, ngạc nhiên là dân Việt đi đất!
Thế thì ông cũng đi đất. Đi đất rồi ông phát hiện thấy.. nó cũng thoải mái phết! Rời xứ Việt ông đi giày vào thì thấy nó khó chịu.
Ông mô tả cuộc sống thực sống động, từ phong tục tập quán cho đến những chuyện buôn bán.. đến chính trị , quân sự.
Ông kể chuyện về ông thầy lang chữa bệnh ông giỏi thế nào cho đến chuyện.. vợ chồng ly dị của người Việt Nam. Chuyện sau khi ly dị thì anh chồng.. xách quần áo ra khỏi nhà vợ mà về nhà mình.
Ông kể là người Việt rất dễ thương, thoải mái hồn hậu hiếu khách hơn người Tàu.. Ông kể là người Việt hay giúp đỡ người khác thí dụ như mấy thủy thủ Tây đắm tàu mà đói thì họ sẵn sàng giúp đỡ.
Đại loại, những câu chuyện như thế. Rất “tầm thường” , rất “đời thường” mà hấp dẫn , sống động, lôi cuốn.

Về Âu Châu trở lại, ông xuất bản cuốn sách này vào năm 1631.
Năm 1997, sau 366 năm, bản dịch đầu tiên tiếng Việt ra đời, do các dịch giả Hồng Nhuệ-Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, nhà XB TPHCM. Vài năm sau đó , thấy trong tiệm sách , mê quá, tôi mua ngay, đọc ngấu nghiến.
Vì mê , nên sau đó sinh ghiền! Tôi lục lọi thêm thì biết trước đó, năm 1931 đã có Bonifacy, một trung tá người Pháp dịch ra tiếng Pháp và đăng trên báo. Tôi lại tìm, đọc và so thì thấy.. lấn cấn!
Bản dịch Việt có gì không ổn, thiêu thiếu, khác bản tiếng Pháp đôi chỗ. Mà những chỗ thiếu thì.. cơ hồ như bị kiểm duyệt!Bực mình, Tôi tìm hiểu tiếp.. Thì quả là Sốc!

Sốc! Ngỡ ngàng chả phải vì chuyện “kiểm duyệt” hay chuyện dịch thiếu chính xác. Ở Việt Nam , không bị kiểm duyệt mới là lạ!
Mà ngỡ ngàng , thán phục trước lòng ham mê kiến thức , sự bảo tồn trân trọng kho táng văn hóa của xã hội, con người Tây Phương.
Điều này tôi chợt cảm nhận ra khi đi tìm bản xưa như có thể.
Và tôi tìm ra!
Không những thế. Mới tôi đầu tưởng là chỉ có thể kiếm ra trong thư viện nào đó, rất khó khăn mới có thể với tới.
Đằng này, với internet, nó quá dễ. Không những có thể tìm ra điểm mượn đọc mà có thể tìm ra sách cổ để mua!
Những cuốn sách có tuổi hơn ba thế kỷ, vẫn nằm đâu đó trong tủ sách tư nhân của những người đọc sách, yêu sách và buôn sách.
Vấn đề là nó đắt hơn là cái.. ví tiền của mình thôi!
Quyển của Borri, ấn bản tiếng Anh năm 1632, ta có thể mua nếu có 20.000 đô. Giá chát!
Thế mà dẫu mình có tiền đi chăng nữa thì cũng đã có kẻ.. vừa mua mất rồi!
Hỡi ôi! 20.000 đô ! Thế mà có anh “tây” nào đó nó mê sách đến độ chịu chi. Hào phóng nhỉ!
Tôi tiếc hùi hụi! Mặc dù .. túi rỗng. Tiếc thế thôi, Tiếc cho vui vậy mà!
Lại tự nhủ, thôi chả tiếc! Già mà ham! Có ngày bị vợ đuổi cổ ra đường!

Các ấn bản : Ý , Đức, Pháp, Anh
Các ấn bản xưa còn có thể tìm mua trên mạng
Bản tiếng Ý: 1000 Euro; Pháp: 8000 Eur ;Anh: 20.000$

Đấy là một chuyện!
Còn phải kể thêm là
Sau khi ấn bản tiếng Ý ra đời năm 1631 thì chỉ một năm sau là các bản dịch:
1632 tiếng La Tinh ra đời và tuần tự sau đó là
1632 tiếng Hòa Lan, 1633 tiếng Đức,tiếng Anh, 1687 tiếng Pháp.

Tại sao tôi ngỡ ngàng?
Đặt câu hỏi:
Tại sao gần 400 năm trước, một ông người Ý sang một đất nước xa lạ, chả ai biết đến ở Âu Châu.
Ông về nước , viết một quyển sách, nó được in, được dịch ngay ra nhiều thứ tiếng chỉ trong vòng 50 năm.
Sách in ra , phải có người mê đọc mà mua nó.
In ra bên Ý, 2 năm sau đã tới tay người Đức.
Âu châu như thế quả là “thông thương”, nó như thể một thành phố, một nước, bất chấp ngôn ngữ khác biệt.
Giới học thức, và không những thế, lại thêm có sự say mê tìm hiểu thế giới phải rất đông. Sự giao lưu, đối thoại giữa họ hẳn phải rất khắng khít.
Sách họ đọc, trân quý, cho vào tủ, truyền đời này qua đời kia, in đi in lại.
Ý thức bảo tồn, yêu quý sách vở thật ghê gớm, lòng say mê thực cực độ.
Lại đặt câu hỏi:
Thí dụ bây giờ, một người Việt, sang Lào, viết về một quyển sách, về mang đến nhà xuất bản.
Ai sẽ in nó?
Nếu có nhà xuất bản in, bán ra.
Ai sẽ mua nó?
Số người mua nó sẽ là bao nhiêu người để nhà XB tồn tại, văn sĩ có miếng cơm?
Lại giả thử , có người mua, quyển sách đó sẽ tồn tại được bao lâu?

Khoảng cách 400 năm thật là dài.
Đó là khoảng cách về Tri Thức.
Đằng sau đó là sự đam mê và trân trọng tri thức.
Đó là sự cách biệt giữa Tây-Ta nói riêng Đông-Tây nói chung. Khoảng cách dẫn đến lạc hậu, nghèo nàn.

Nhiều thứ , nói ra chẳng phải là để.. “chê bai” chính dân tộc mình, hay phục “tây”.. tinh thần nô lệ!
Nhưng nếu hiểu nguồn gốc của sự lạc hậu để thay đổi vẫn là cần thiết.
Mà .. nói cho ngay.. hiểu biết thêm về thế giới chúng ta đang sống..
Thì cũng .. vui chứ!
Nó phong phú biết bao?

Nghĩ thế rồi, tôi quyết .. mua thứ gì trong tầm túi ..ông già về hưu.
À đây rồi!
Một bản reprint năm 1970, chụp lại ấn bản tiếng Anh 1633. Chỉ 50 đô.
Cũng xưa đấy chứ.. cũ gần 50 năm chứ ít đâu! .. Hốt liền, chờ chi nữa?
Mấy hôm sau, tiếng chuông cửa kêu reng, sách đã về! Mở ra thì thấy:
Nó được in bởi một nhà xuất bản ở Hòa Lan, được mua bởi một thư viện ở Michigan Mỹ. Thư viện thải bớt sách, qua tay một nhà sách cũ.. rồi tới tay mình
Lại sốc!

Quyển .. vừa túi tiền.
Mua … đỡ ghiền!

Sau hơn 3 thế kỷ , cái anh Hòa Lan nào đó vẫn cứ in!
Nó in bởi nó bán được; bán được là bởi, ở Hòa Lan, Mỹ hay nơi nào đó ở phương Tây, luôn có đủ người ham mê hiểu biết, cả về cái xứ cỏn con, xa lạ.
1970 nghĩa là gần 30 năm trước ấn bản tiếng Việt.
Và ấn bản tiếng Việt lại bị kiểm duyệt bớt những chỗ.. nhậy cảm.

Mà liệu đã có bao người quan tâm?

Quy Hoạch Mỹ Tho

Sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973, chính phủ VNCH có kế hoạch xây dựng hậu chiến.
Năm 1973 , thân phụ tôi KTS Nguyễn Thụy cùng các KTS Hoàng Hùng và KTS Đào Trọng Cương soạn một bản “khai triển tổng quát nội dung cuốn sưu ký tài nguyên” về tỉnh Mỹ Tho.
Quyển sưu ký tài nguyên này là tài liệu cho các nhà quy hoạch sau này.
Khi quy hoạch người ta phải biết tường tận, có tài liệu về rất nhiều vấn đề.
Đây không phải là chuyện “đơn giản”.
Thí dụ như sau 1975 trong bầu không khí “thắng lợi”, TBT Lê Duẩn ra quyết nghị “gom tỉnh”.
Thế là “cứ thế mà gom”!
Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên thành Bình Trị Thiên, Quảng Nam , Quảng Ngãi thành vv.
Gom rồi tách!
Hiện tượng tỉnh nào cũng muốn có sân bay, hải cảng .. tỉnh nào cũng.. ngày nay vẫn xảy ra thường trực.

Quyển “sưu ký” này thể hiện cung cách chuyên nghiệp và bao quát.
Từ các tài liệu lịch sử, thủy văn, địa chất, văn hóa, tôn giáo.. cho đến những công tác cụ thể rất “tầm thường” như “học sinh tới trường bằng phương tiện gì?”.
Hiểu lịch sử, văn hóa.. người ta mới biết về đời sống dân cư, họ làm nghề gì , sống thế nào , kinh tế ra sao?
Hiểu tôn giáo người ta mới có thể bảo tồn di tích, quy hoạch mới cho chùa, nhà thờ vv.
Hiểu thủy văn, đia chất , thảo mộc .. người ta mới có thể quy hoạch thủy lợi, giao thông, canh nông vv.
Có biết sự phân bổ trường học, cơ quan, phương tiện giao thông .. người ta mới quy hoạch đường xá hữu hiệu..
Bởi thế , những thông tin tưởng chừng như xa, tổng hợp lại sẽ giúp cho nhà quy hoạch làm công tác của mình một cách hữu hiệu và có tầm nhìn dài hạn.

Bản sưu ký này do các kiến trúc sư thuộc lứa đầu tiên của Việt Nam, được đào tạo ở “trường mỹ Thuật Đông Dương” ( École des Beaux-Arts de l’Indochine ).
KTS Hoàng Hùng , Khóa 5 – 1935
KTS Nguyễn Thụy , Khóa 2 – 1932
KTS Đào Trọng Cương , Khóa 4 – 1934