Author: Đoan Hùng

CHỮ NÔM, QUỐC NGỮ VÀ VĂN TỰ Ở CÁC NƯỚC “ĐỒNG VĂN” TRUNG HOA,NHẬT, HÀN

ĐÔI LỜI NÓI ĐẦU

Trong những ngày qua, lại một “cuộc chiến” nổ ra! Tranh luận về việc vinh danh các nhà tiên phong chữ quốc ngữ. Trong tranh luận, thậm chí “tranh cãi”, ngoài những lập luận đúng mực, khó tránh khỏi những cách nhìn cực đoan, chẳng hạn như

  • Chê bỏ quá khứ một cách tuyệt đối. Như “nếu không có quốc ngữ, chúng ta ngày nay mù chữ rồi!”… Điều hẳn không đúng, bỏi vì dân TQ, Nhật, Hàn .. ngày nay có mù chữ đâu?
  • Viễn mơ vào quá khứ! Như “Thực dân Pháp tiêu diệt Hán Nôm”, “Mất Hán Nôm là mất hồn dân tộc”..Trong các “lý lẽ” đó, tôi cảm nhận một điều, hoặc là do “nóng đầu” hay là do không rõ “Hán Nôm” thực sự ra sao. Chẳng hạn như – Nêu gương Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng bỏ qua thực tế là chữ “nôm” của hai nước này như Hiranaga,Katanaka,Hangul khác xa chữ Nôm của Việt Nam, về mặt cấu tạo. Dẫn tới tính khó phát triển của chữ nôm …
  • Ca ngợi tính “tượng hình”,”tượng ý” của chữ hán, vẻ đẹp của nó… Như thể có cái gì “thiêng liêng”, “cao đạo”,”thâm trầm”,”minh triết đông phương”. Bỏ qua thực tế là phần lớn chữ Hán chỉ dùng phép “hình thanh” , một phép ký âm lạc hậu và không chính xác…

Từ đầu thế kỷ 20 , chính các nhà nho thức thời đã nhận thức sức mạnh của “quốc ngữ”, tự giải ảo. Cổ động, lập trường dạy quốc ngữ. Trải qua dăm thế hệ, đến nay thì cả nhưng “cụ” 80 tuổi cũng chằng mấy ai đọc được chữ Hán , huống hồ là chữ Nôm.Vì thế, trong tinh thần “cùng học”, tôi cố gắng viết lại những gì mình đã tìm hiểu, không phải là để “bảo vệ quốc ngữ”! Vì quốc ngữ có sức sống mãnh liệt, chả cần ai bênh vực!

Với sự hiểu biết “không chuyên” , mong các bạn cùng chia sẻ, góp ý.

TỔNG QUAN

Trong tranh cãi về Quốc Ngữ-hán nôm tôi thường hay nghe người ta .. mơ và ta thán.

Nào là bỏ Hán Nôm làm mất cái “hồn dân tộc”, “thực dân Pháp” tiêu diệt Hán Nôm… và mơ về “quá khứ cha ông”. Mơ , giá được như người Nhật , Hàn.

Tất nhiên, nếu không có chữ quốc ngữ , thì người Việt vẫn tiếp tục Hán Nôm , và không “mù chữ”! Trong xã hội cổ truyền , với truyền thống “biết dăm chữ bỏ bụng”, mang ước mơ “võng anh đi trước võng nàng theo sau”, nho sĩ là “tiên chỉ” trong làng, “thầy đồ” được trong vọng, xã hội VN thủa xưa , cũng như các nước “đồng văn” không hoàn toàn “thất học”.

Thế nhưng phải giải quyết các khó khăn của nó. Phải giải quyết thực sự! Không đơn giản như khi có loại chữ cái, an-pha-bê. Chữ Hán có độ 50.000 chữ. Chả ai có thể nhớ hết.Nhưng muốn thoát “mù” thì cũng … dễ!

“Biết dăm chữ” như bà mẹ quê dẫn con đến thầy đồ, thì cũng không gọi là mù.Thế nhưng, thế thì chẳng đủ. Thoát “mù chữ” chưa phải là có “học”.Muốn đọc báo , phải biết cỡ 2000-3000 chữ.

Muốn gọi là có “học vấn” , phải biết cỡ 8000 chữ.Muốn đọc cổ văn? Thì .. vô hạn! Chỉ còn nước tra tự điển , và có đào tạo tử tế.Có lần, tôi đưa cho bạn tôi, một kỹ sư người Bắc Kinh, bản “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” và hỏi: Thứ này mày đọc được không?Tao chịu!Nó thế! Bạn tôi cũng “chữ nghĩa”, trình độ đại học.

Thành thử, người Việt mơ “bỏ bụng” vài trăm chữ , mà nghĩ mình có thể đọc câu đối, văn chương, lịch sử .. để “giữ hồn dân tộc” thì là.. mơ! Người Hoa phải học, phải dùng thường ngày nên đành học và nhớ. Nếu không dùng thường ngày , sẽ quên ngay.

Các nhà giáo dục đừng mơ dạy học sinh vài trăm chữ Hán.

“NÔM” NHẬT , HÀN – Hiragana , Katanaka – Hangul

Khi mơ giống như Nhật, Hàn thì cần biết rằng “nôm” nhật khác xa “nôm” Việt.

Ở các nước này, thí dụ như Nhật, khác Việt Nam, từ thời xa xưa , đã tự tao ra “nôm” của họ như Hiragana(TK 5), Katanaka (TK 10) , Hangul ( TK 15) để bổ sung cho Hán tư Kanji (Nhật) , Hancha(Hàn).

Khác với chữ Nôm , phần lớn dựa trên “ghép hai chữ hán, một chỉ nghĩa , một gợi âm” , các thứ chữ này là hoàn toàn “ký âm” , một loại “alphabet” như ở Tây Phương.

Thí dụ như số ký tự trong các loại “nôm” này là:

  • Katanaka – 48
  • Hiragana – 46
  • Hangul- 28
Bảng chữ cái Hiragana

Để tạo chữ “nôm” người Nhật dùng chữ một số chữ Hán, bỏ ý nghĩa, giản hóa để ký âm. Chằng hạn như lấy chữ Hán để tạo Hiragana:安 ( Hán Việt:“An”) , viết thành あ để ghi âm “A”宇 ( Hán Việt:”Vũ”) , viết thành う để ghi âm “U”.

Với hệ thống ký tự đơn giản đó, để thoát mù chữ, rất đơn giản. Người ta chỉ cần đến chữ Hán khi học cao hơn. Trẻ con không cần chữ Hán đã có thể đọc sách.Và muốn học Hán Tự thì phải có lộ trình.

Như ở Nhật bản phải chia ra như sau: Tiếu học 1006 chữ , Trung học 950 chữ. Các chữ này là chữ “thường dụng”. Như thế tổng cộng chừng 2000 chữ.Và không phải là dễ cho học trò. Nếu ở Mỹ , số ngày học trong năm của học sinh trung 0bình là 178 ngày thì ở Nhật là 240 ngày.

Thế thì ta có thể hỏi, tại sao người Nhật “khổ” thế với chữ viết, phải chăng họ chỉ muốn giữ “hồn Nhật”?

Không hẳn thế, tuy đó là một lý do, mà chủ yếu là khó có chọn lựa khác.Hệ thống ký âm Nhật Bản đã có quá trinh phát triển đến 15 thế kỷ ( khác chữ Nôm VN nhiều lắm!) , nhưng có giới hạn của nó , khiến cho nhiêu lúc dùng kèm Hán Tự (Kanji) lại tiện lợi hơn, viết ngắn hơn, dễ hiểu hơn. Nếu tiếng Việt có nhiều thanh điệu (6 thanh) thì tiếng Nhật ( và Hàn) lại ít hơn. Ít thanh điệu tất phải là đa âm, phải nói dài hơn!

Thí dụ người việt nói “TÔI”, vỏn vẹn một âm, thì người Nhật phải dùng đến ba âm tiết WA-TA-SHI. Bởi nhiều thanh điệu nên một từ Hán chuyển sang Hán Việt khó bị lẫn lộn như khi chuyển sang tiếng Nhật. Ngoài việc dễ lẫn lộn, gây hiểu lầm, do tính đa-âm độ dài của chữ khiến phải viết dài dòng. Viết bằng chữ Hán đâm ra nhanh hơn.

Thí dụ ta muốn dùng từ “chí” để nói “có CHÍ thì nên”, từ CHÍ là Hán Việt của 志. Viết quốc ngữ rất gọn. Người Nhật “khổ” hơn. Họ phải nói “chí” thành ko-ko-ro-za-shi. Dùng Hiragana こころざし hay Katakana ココロザシ , rất phiền. Nếu viết “tắt” bằng Kanji 志 , thì lại gọn hơn!

NÔM VIỆT

Chữ Nôm

Bây giờ chúng ta thử .. vất bỏ thứ chữ “thực dân”, hãy trở lại chữ Nôm để “giữ hồn dân tộc” xem sao.

Thay vì viết “CÓ CHÍ THÌ NÊN” hãy thử viết chữ Nôm:

固志旹揇

Xem ra rất Dân Tộc! Nếu dùng bút lông mà viểt một bức “thi pháp” thì thật tuyệt vời. Thế nhưng .. đọc ra sao?

Thế này:

Chữ 固 , vốn là chữ Hán , âm Hán Viêt là “CỐ”, có nghĩa là “bền chắc…” , nghe giống “CÓ” , nên đọc “nôm” thanh “CÓ”.

Chữ 志 , là chữ Hán, âm Hán Việt là “CHÍ”.

Chữ 旹 , là chữ Hán , âm Hán Việt là “THỜI”, “THÌ” , có nghĩa là “thời gian , thời giờ” , nên đọc thành “THÌ”.

Chữ 揇 thì.. phiền hơn. Nếu tra từ điển Hán sẽ không có. Đó là từ Nôm, được ghép bởi hai chữ Hán: 南 : Nam nghĩa là “phương nam” , và 扌thủ , nghĩa là “tay” .”NAM” âm gần giống “NÊN” . “Tay” hàm nghĩa là “làm”. Bởi thế đọc là “NÊN”.

Kể ra, ngoài phải biết chữ Hán cũng cần phải thêm chút .. suy luận để hiểu nhỉ?

Chưa hết! Chữ Nôm không có chuẩn, nguyên tắc quy định, mỗi người có thể viết một kiểu, tùy ý. Nên nó có thể rất nhiều cách.

Để viết “CÓ” ta có thể dùng 固 , 箇, 𣎏 . Để viết “THÌ” ta có thể dùng 旹, 时, 時. Để viết “NÊN” ta có thể dùng 揇, 年, 𢧚.

Qua ví dụ trên, ta có thể thấy, khác với hai nước “đồng văn” đã phân tích ngữ âm của họ, chuẩn hóa thành bộ chữ cái, Việt Nam đã không thoát khỏi chữ Hán với sự phức tạp của nó. Để hiểu tính phúc tạp này, thiết tưởng cũng nên hiểu sơ lược về chữ Hán.

CHỮ HÁN

Trước hết, để tạo chữ, chữ Hán dùng sáu cách , gọi là “lục thư”:Tượng hình , Chỉ sự , Hình thanh , Hội ý , Chuyển chú và Giả tá.

  • Tượng hình– Đây là cách đơn giản nhất mà loài người đã dùng đầu tiên từ thủa sơ khai khi chữ viết nảy sinh, như chữ Ai Cập thủa đầu tiên. Nó không có gì là “huyền bí”, “thâm sâu”. Đơn giản là người ta muốn viết “con bò” thì vẽ con bò , “con ngựa” thì vẽ con ngựa. Người Trung Hoa “vẽ” hình người, có hai chân – 人 đọc là “nhân”. Con ngựa , có bờm, bốn chân – 馬 – “Mã” . Người đàn bà – 女 – “Nữ” .
  • Chỉ sự– Không thể nào “vẽ” mọi sự! Nên người ta cần mô tả, chắng hạn như vẽ một gạch ngang, thêm một thanh đứng, thêm một vạch ngắn ở trên thành chữ “Thượng” 上 , ở dưới thành chữ “Hạ” 下.
  • Hội ý. Chẳng thể “tương hình”,”chỉ sự” mọi sự vật. Người ta phải gom các chữ lại để gợi ý. Chằng hạn như dùng “mái nhà” 宀 che trên “đàn bà” 女 thành chữ 安 , “An”. Người phụ nữ được che chở bởi mái nhà, thế chằng phải là An toàn sao? Trên là mái nhà 宀 , dưới là con lợn 豕thì thành chữ 家, “gia”.
  • Chuyển Chú và Giả tá: đây là hai phép “dùng đỡ”. Ở một số chữ, người ta dùng “chuyển chú” , nghĩa là “dùng tạm” thanh âm một chữ để viết chữ khác có nghĩa gần giống, thí dụ như, dùng chữ “trường” 長 là dài để viết chữ “trưởng” nghĩa là lớn lên; thậm chí có nghĩa khác hằn như dùng chữ “vạn” 萬nghĩa là “con bò cạp” để “giả tá” thành chữ “vạn” nghĩa là 10.000.
  • Hình thanh: Ý tưởng con người là vô hạn. Ngôn ngữ do đó cứ phát triển, từ ngữ cứ thế mà phát sinh. Ta không thể nào “vẽ” mãi, “miêu tả” hoài, cho dù là . họa sĩ. Chữ Hán cũng phát triển giống như mọi thứ chữ trên thế giới, tiến tới “ghi âm” tiếng nói! Và đó là phép “hình thanh” , nghĩa là ghép các chữ có sẵn , phần “hình” gợi ý , phần “thanh” gợi âm thanh. Chỉ “gợi” gần gần mà thôi. Ý gần gần đâu đó! Âm nghe giông giống. Chằng hạn như: -Đã có chữ “thành” 成 , nghĩa là [trở] thành, cần viết chữ “thành” nghĩa là thành [trì], thì ghép thêm bộ “thổ” 土, nghĩa là “đất” để gợi ý , trở nên chữ 城. -Đã có chữ “mã” 馬, là con ngựa, cần viết chữ “ma” có nghĩa là người mẹ, ghép thêm bộ “nữ”, nghĩa là đàn bà để gợi ý , trở nên chữ 媽. Đàn bà + Con Ngựa thành .. Mẹ !Ấy là “hình thanh”!

Và đó là phép cấu tạo chính của chũ Hán, theo nhiều nghiên cứu, “Hình Thanh” chiếm khoảng 80-90% số từ Hán.

Trên thế giới, từ thủa xa xưa, khoảng ba ngàn năm trước, các hệ thống chữ viết đã phát triển lên thành chữ ký âm, đơn giản. Ngay cả chữ Ai Cập thời kỳ sau, vẫn trông tưởng như “tượng hình”.

Không phải! Người ta có thể “đánh vần”, bởi nó đã phát triển thành “ký âm”. Nó chả có gì là “huyền bí” cả. Ngay cả mẫu tự “A” mà chúng ta ngay nay dùng, cũng có “tiền thân tượng hình” là .. con bò! Con bò gọi là “aleph” , người xưa vẽ đầu bò có hai sừng. Dần dà , lấy đó ghi âm “a”, lộn ngược đầu lại mà thành A.

Trung hoa , quẩn quanh trong qua khứ ngàn nãm. Không phân tích thành “mẫu tự”. Mà chỉ dùng âm “giông giống”, nghĩa “đâu đó” , tùy tiện, đại khái, nhang nhác!

GIỮ HỒN NƯỚC

Chữ nôm , bị trói chặt trong chữ Hán, “thừa hưởng” tất cả nhưng thứ phức tạp, luộm thuộm của nó. Thê nhưng nó vẫn là di sản quý báu của cha ông, qua nó các cụ truyền tải, lưu lại được biết bao thơ văn , tác phẩm bằng tiếng mẹ đẻ .

“Tiếng nước tôi, tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi”.

Thế nhưng, do điều kiện lịch sử, nó không có cơ hội để phát triển, hệ thống hóa, hợp lý hóa. Mãi cho đến đầu thế kỷ 20 nó vẫn là một thứ chữ “tùy tiện” và đành phải nhường bước cho “quốc ngữ”. Chữ Nôm tự đào thải , không phải do ai “áp đặt”, “giết” nó.

Chữ “quốc ngữ” phát triển chẳng phải do một ai “ép buộc”. Chính các nhà nho “thức thời” và các nhà “tân học” đã cổ súy và tiếp tục phát triển nó. Chủ yếu là do tính hợp lý của quốc ngữ.

Nhưng ai hay so sánh Việt Nam và Nhật Bản, Triều Tiên chớ nên quên rằng lịch sử hai nước này khác xa Việt Nam, khác rất lớn. Nếu như Việt Nam chỉ dành được độc lập từ thế kỷ thứ 10 thì Nhật Bản chưa hề mất đọc lập , Triều Tiên tuy có lúc bị Trung Hoa lấn chiếm nhưng chưa hề hoàn toàn bị thôn tính, nhưng vương quốc Triều Tiên như Bắc Tế, Tân La, Cao [câu] Ly vẫn tồn tại.

Nếu Việt Nam chỉ có 1 thế kỷ phát triển trong độc lập, văn hóa bị phủ bởi Trung Hoa như bị bóng cây phủ rợp thì ở Nhật Bản, Triều Tiên có điều kiện phát triẻn văn hóa độc lập, nếu có ảnh hưởng Trung Hoa , thì đó là do “tự nguyện”. Với hai thiên niên kỷ phát triển độc lập, với những trièu đại vững bền, với nền học thuật vững mạnh, với những học giả có chiều sâu , hai nước Nhật Bản, Triều Tiên đã tự xây dựng hệ thóng chữ viết khá hoàn chỉnh của họ.

Vua Sejong ( Thế Tông) ở Triều Tiên , thế kỷ 15 , khi sáng chế ra Hangul, chắc chắn không phải do ông, mà do rất nhiều học giả tinh thông về ngữ âm. Họ phân tích âm tiếng Hàn kỹ lưỡng, tinh vi mới quy ra được ký tự.

Nhật Bản cũng thế, Hiragana là công trình của các nhà quý tộc , Katanaka của các thiền sư. Họ là các người có điều kiện học rộng biết nhiều, các nhà sư sang Ấn Độ học chữ Phạn, vốn là một thứ chữ “ký âm”. Thu nhập văn hóa Trung Hoa, Ấn Độ một cách tường tận. Trên cơ sở đó hệ thống chữ viết phát triển, và trên cơ sở đó , văn học, triết học.. cùng phát triển.

Việt Nam, thiếu các điều kiện đó. Không phải do lỗi riêng ai, hay một vị vua nào mà một hệ thống chữ viết hoàn chỉnh không được hình thành. Không chỉ riêng Hồ Quý Ly hay vua Quang Trung mà nhiều vua chúa khác như chúa Trịnh cũng muốn phát triển chữ Nôm. Nhưng các vị đó làm được gì khi không có một tập thể đông đảo học giả, một nền học thuật thâm hậu? Ra một mệnh lệnh, một chiếu chỉ chả ăn thua gì. Các nhà nho như Ngô Thời Nhậm cũng biết thực trạng đó. Ông từng viết “Chữ nước ta khó hơn chữ Trung Quốc” ( Ngã quốc tự giảo nan ư Trung Quốc ). Biết thế , nhưng một học giả như Ngô Thì Nhậm cũng không làm gì khác hơn được, trong cả nền học thuật thời đại ông, ông đành dùng chữ Hán là chủ yếu.

Ở đầu thế kỷ 17, trong khung cảnh như thế, các nhà truyền giáo tây phương xuất hiện, Franscisco de Pina, Alexandre de Rhodes, Christophoro Borri.. họ đến truyền đạo trong lén lút. Địa vị họ thật nhỏ bé, mang quà cáp biếu xén cho Chúa, năn nỉ xin được tạm trú, dùng kiến thức vượt trội như thiên văn để lấy uy tín với nhà cầm quyền, sống trong dân, thậm chí bỏ giầy đi đất như Christopho Borri, sống đơn giản , đạo hạnh để truyền đạo. Họ bị bắt lên bắt xuống, tùy ý nhà cầm quyền. Giáo dân lúc có thể hành đạo , lúc bị bách hại. AD Rhodes bị bắt nhiêu lần, khi trở về Âu Châu , ông mang theo hài cốt của thầy giảng người Việt , An Rê Phú Yên, bị xử tử vì không bỏ đạo. Trong hoàn cảnh bất an, bị bắt bớ, ngoài thời gian giảng đạo, tổ chức giáo hội , các tu sĩ dòng Tên này vẫn còn thì giờ , đam mê để , dỏng tai “Tây” lên mà nghe tiếng việt với sáu thanh âm, suy nghĩ , phân tích ngữ âm vv. Từ đó mới ra sắc huyền hỏi ngã nặng!

Tại sao họ làm được nhưng gì mà ở nước Đại Việt, không nhà nho nào, không thiền sư nào, cho dù triêu đại nào làm được? Chẳng phải chỉ do sự cần cù của họ , mà chủ yếu do họ không bị cột vào một nền văn minh lỗi thời lạc hậu. Họ được đào tạo chuyên nghiệp, trong nền học thuật thâm hậu, với nền tảng khoa học về ngôn ngữ, ngữ âm. Một nền học thuật nảy sinh trên một nền văn minh tiên tiến hơn.

Với điều kiện đó, họ đã tặng cho dân tộc ta, đất nước ta một món quà vô giá. Với chữ “Quốc Ngữ” ,không những là phương tiện để người Việt hội nhập vào nền vãn minh hiện đại của thế giới , không những “Tây” mà cà “Đông”, mà còn giữ gìn di sản cha ông.

Ngày nay.Ai cũng có thể đọc “Kiều”,”Lục Vân Tiên” . Ai cũng có thể có một bản Kiều quốc ngữ trong nhà. Ai cũng có thể đọc từ “Khóa Hư Lục” thời Trần, “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” thời Lê … cho đến “Khâm định Việt Sử” thời Nguyễn băng “quốc ngữ”.

Ai cũng có thể đọc “Luận Ngữ” của Khổng Tử, “Nam Hoa Kinh” của Trang Tử… bằng “quốc ngữ”!

Có nhà nho nào thủa xưa , có điều kiện “thiên kinh vạn quyển” như thế?

Thế chẳng phải “QUỐC NGỮ” đang GIỮ HỒN NƯỚC hay sao?

Dọc đường Cái Quan

Along the Old Mandarin Road of Indo-China

W. Robert Moore

Đây là bài của ký giả W. Robert Moore trên báo The Nationale Geopgraphic , số tháng 9/1931.Ông đi dọc con đường “cái quan” ( mandarin road) , viết về ba nước Đông Dương.Tôi sưu tập được, nghĩ rằng giũ trên kệ sách của mình nó .. phí đi!Nên scan lại và để lên đây để các bạn có thể sử dụng.Bài có nhiều tư liệu và hình ảnh quý.Nhiều ảnh đã có trên mạng đâu đó , nhưng qua bài này, ta biết ảnh đó lấy từ đâu.

iBrane 4.0x

Đoan Hùng
Viết trên “Đất lửa” Cali,9/11/2019, những ngày .. mất não.

Mừng quá! tối qua mới được ngủ ngon.
Từ ngày đ/c Nguyễn Mạnh Hùng cảnh giác
’Não người Việt Nam không nằm ở Việt Nam sẽ nguy hiểm tới an ninh Quốc Gia’

Tui lo đến mất ăn mất ngủ!

Đồng bào trong nước, được Đảng và Nhà nước chăm sóc kỹ càng như mẹ hiền chăm con, vậy mà bọn nước ngoài gian ác nó cũng rình rình ăn cắp não!

Còn tui , khúc ruột ngàn dặm, sống ở đất địch, đất lửa, ngay bên nhà là thằng “Táo”, xa chừng vài cây là thằng “Mạc”, thằng “Gú” .. toàn là mấy thằng có tiền án tiền sự , lưu manh có số má! 😞

Làm sao đây trời!

Mấy bữa nay, ra đường, tui canh trước canh sau, dòm chừng.
Tụi thằng Mạc, thằng Gú.. nó cứ rình rình đi theo, con mắt láo liên, mặt mày bậm trợn..
Tui lấy hai tay giữ chặt bộ não, lỡ nó nhào tới nó giựt, nó chạy mất tiêu thì thấy mẹ.

Lo quá xá, bèn meo tâm sự với Vịt Tèo.
Hôm qua nhận được cái thùng, mở ra , mừng quá!
– iBrain 4.0, designed by Vịt Teo , Hanoi, Assembled in China. Xin kính chào quý khách!
Tối đó, sau khi đánh răng, iBrain 4.0 đến bên cạnh, mời tui lên giường, đắp chăn, đấm lưng, bóp chưn..
rồi cầm tuốc vít, nhẹ nhàng gỡ bộ não tui, mang bỏ máy giặt và ..
– Chúc ông chủ ngủ ngon!

Sáng nay, thức dậy thì đ/c iBrain lắp lại bộ não lúc nào hổng biết, chỉ biết trí tuệ sáng ngời, thoải mái.
Đ/C iBrain bưng một ly cà phê sữa, một tô hủ tíu và nhoẻn miện cười duyên.
– Good morning! Ông chủ!
Tui đã nạp sẵn trong não ông chủ 5 bài báo Nhân Dân và khuyến mãi thêm 10 gái xinh , chưn dài.
Chúc ông chủ một ngày vui nha.
Trời! Đã dễ sợ luôn!

Thôi! mấy bài Nhân Dân để đến trưa, còn giờ , nhâm nhi cà phê , chưn dài cái đã!

Chưa kịp ngắm ‘gái xinh’ cho đã , bỗng thấy iBrain mặt mày xanh lè xanh lét.
Dòm lại thấy power còn có 5%, cái đèn hình pin cứ nhấp nháy liên tục.
– iBrain! cái ổ điện góc phòng kia kìa.
iBrain te te chạy tới ổ điện…
Le lưỡi liếm thử, đoạn xoay qua tui, cái đầu lắc lắc.
– Hổng được xếp ơi! Điện đế quốc, chua lè chua lét hà!
Tui bèn meo ngay cho Customer Support ..

Làm ơn gởi gấp mấy thùng điện Quê Hương Việt Nam ngọt ngào.
Cám ơn nhìu nhìu nha!

Đoan Hùng
Viết trên “Đất lửa” Cali,9/11/2019, những ngày .. mất não.

Truyền thống “sách vở” của Tây Phương

Khi anh Tây nào đó khen người Việt chúng ta là “ham học”, “cần cù”, “thông minh”.. thì tôi rất.. sướng!
Quả thế! Ai mà chả sướng?
Thú thật đi! Nếu bạn bảo không sướng, tôi không tin!
Khi nó hỏi về VN ra sao ,tôi bảo tụi tao có “4000 năm văn hiến”.
Nó trợn tròn con mắt. Nó hỏi gặng, thế cái 4000 năm nó ra thế nào?
Thì tôi bắt đầu ú ớ! Chả là tôi chỉ có thể nói về bà Trưng bà Triệu. Nói về ba lần chống Mông Cổ, dân tộc Việt Nam anh hùng vân vân và vân vân.


Thế nhưng nếu nó hỏi tiếp , thế thì người Việt , cách đây 100 năm sống ra sao?
Mình bảo “nheo nhóc, khổ sở vì thực dân Pháp đô hộ”.
Nó lại hỏi tiếp. OK! Chuyện đó tao biết rồi! Tao muốn hỏi mấy thứ tầm thường kia! Như sống ra sao? làm nghề gì? Ăn mặc ra sao? Các ông vua , hoàng hậu của tụi bay ăn mặc như thế nào?
-Ừ! Thì bà hoàng hậu đội cái khăn vành dây, như mày thấy mấy cô.. hoa hậu chân dài bây giờ đó!
-Đẹp quá! Tao còn thấy hình mấy thằng tây nó chụp bà hoàng hậu Nam Phương rồi. Nhưng còn trước đó, ra làm sao?

Tới đây là tôi tịt! Tôi chỉ biết là đến cả.. Hai Bà Trưng cũng phải đội khăn vành dây!

Ký ức về cuộc sống cụ thể của người Việt có lẽ không xa quá 100 năm.Hãy kiểm lại trước nhất là về hình ảnh.
Nếu chẳng những so Tây phương mà với Nhật,Hàn.. thì Việt Nam không có hội họa, điêu khắc chuyên nghiệp. Không kể một số tranh, tượng thờ, tôn giáo, tranh dân gian. Mặc dù tính nghệ thuật có thể vẫn cao, thế nhưng sự thiếu vắng cái “chuyên nghiệp”, chỉ có nghệ nhân, không có họa sĩ, điêu khắc gia khiến cho ta không biết đời xưa các cụ ăn mặc như thế nào, sống ra sao.. và yêu đương thế nào?
Sách vở xưa cũng thế, chỉ thuật lại những chuyện chính trị, quân sự .. là chính. Ngay cả những bậc bác học như Lê Quý Đôn, Phạm Đình Hổ, Hải Thượng Lãn Ông vv cũng để lại trong tác phẩm của họ như “kiến văn tiểu lục”, “vũ trung tùy bút” ..vv rất sơ lược về đời sống hàng ngày cụ thể.
Mà chính cái đó là phần không thể thiếu của “văn hiến”, của “văn minh”!

Ngày nay, nếu ta muốn biết một người thợ thủ công thế kỷ 19 đục gỗ ra sao, xem sách,ảnh,tranh của .. Tây! Muốn biết các cụ đi thi hương thế nào? các quan ăn mặc ra sao? xem sách Tây! Thậm chí, muốn có bản đồ Hoàng Sa, Trường Sa .. từ bốn, năm trăm năm trước? xem bản đồ Tây.

Thi hương ở Nam Định , 1897 , Ảnh của Pháp

Dạo sau này, ở Việt Nam đã có một số sách người Tây Phương viết về Việt Nam được xuất bản như của White,Baron,Borri.. đọc rất thú vị.
Quyển tôi yêu thích nhất là quyển của Christophoro Borri viết về xứ đàng trong ( miền trung VN) năm 1621.
Ông là một tu sĩ ngưới Ý, sang Việt Nam giảng đạo cách đây gần bốn thế kỷ.
Ông sống hòa nhập và rất yêu dân Việt. Ông hòa nhập đến nỗi là khi mới đến, là Tây đi giày, ngạc nhiên là dân Việt đi đất!
Thế thì ông cũng đi đất. Đi đất rồi ông phát hiện thấy.. nó cũng thoải mái phết! Rời xứ Việt ông đi giày vào thì thấy nó khó chịu.
Ông mô tả cuộc sống thực sống động, từ phong tục tập quán cho đến những chuyện buôn bán.. đến chính trị , quân sự.
Ông kể chuyện về ông thầy lang chữa bệnh ông giỏi thế nào cho đến chuyện.. vợ chồng ly dị của người Việt Nam. Chuyện sau khi ly dị thì anh chồng.. xách quần áo ra khỏi nhà vợ mà về nhà mình.
Ông kể là người Việt rất dễ thương, thoải mái hồn hậu hiếu khách hơn người Tàu.. Ông kể là người Việt hay giúp đỡ người khác thí dụ như mấy thủy thủ Tây đắm tàu mà đói thì họ sẵn sàng giúp đỡ.
Đại loại, những câu chuyện như thế. Rất “tầm thường” , rất “đời thường” mà hấp dẫn , sống động, lôi cuốn.

Về Âu Châu trở lại, ông xuất bản cuốn sách này vào năm 1631.
Năm 1997, sau 366 năm, bản dịch đầu tiên tiếng Việt ra đời, do các dịch giả Hồng Nhuệ-Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, nhà XB TPHCM. Vài năm sau đó , thấy trong tiệm sách , mê quá, tôi mua ngay, đọc ngấu nghiến.
Vì mê , nên sau đó sinh ghiền! Tôi lục lọi thêm thì biết trước đó, năm 1931 đã có Bonifacy, một trung tá người Pháp dịch ra tiếng Pháp và đăng trên báo. Tôi lại tìm, đọc và so thì thấy.. lấn cấn!
Bản dịch Việt có gì không ổn, thiêu thiếu, khác bản tiếng Pháp đôi chỗ. Mà những chỗ thiếu thì.. cơ hồ như bị kiểm duyệt!Bực mình, Tôi tìm hiểu tiếp.. Thì quả là Sốc!

Sốc! Ngỡ ngàng chả phải vì chuyện “kiểm duyệt” hay chuyện dịch thiếu chính xác. Ở Việt Nam , không bị kiểm duyệt mới là lạ!
Mà ngỡ ngàng , thán phục trước lòng ham mê kiến thức , sự bảo tồn trân trọng kho táng văn hóa của xã hội, con người Tây Phương.
Điều này tôi chợt cảm nhận ra khi đi tìm bản xưa như có thể.
Và tôi tìm ra!
Không những thế. Mới tôi đầu tưởng là chỉ có thể kiếm ra trong thư viện nào đó, rất khó khăn mới có thể với tới.
Đằng này, với internet, nó quá dễ. Không những có thể tìm ra điểm mượn đọc mà có thể tìm ra sách cổ để mua!
Những cuốn sách có tuổi hơn ba thế kỷ, vẫn nằm đâu đó trong tủ sách tư nhân của những người đọc sách, yêu sách và buôn sách.
Vấn đề là nó đắt hơn là cái.. ví tiền của mình thôi!
Quyển của Borri, ấn bản tiếng Anh năm 1632, ta có thể mua nếu có 20.000 đô. Giá chát!
Thế mà dẫu mình có tiền đi chăng nữa thì cũng đã có kẻ.. vừa mua mất rồi!
Hỡi ôi! 20.000 đô ! Thế mà có anh “tây” nào đó nó mê sách đến độ chịu chi. Hào phóng nhỉ!
Tôi tiếc hùi hụi! Mặc dù .. túi rỗng. Tiếc thế thôi, Tiếc cho vui vậy mà!
Lại tự nhủ, thôi chả tiếc! Già mà ham! Có ngày bị vợ đuổi cổ ra đường!

Các ấn bản : Ý , Đức, Pháp, Anh
Các ấn bản xưa còn có thể tìm mua trên mạng
Bản tiếng Ý: 1000 Euro; Pháp: 8000 Eur ;Anh: 20.000$

Đấy là một chuyện!
Còn phải kể thêm là
Sau khi ấn bản tiếng Ý ra đời năm 1631 thì chỉ một năm sau là các bản dịch:
1632 tiếng La Tinh ra đời và tuần tự sau đó là
1632 tiếng Hòa Lan, 1633 tiếng Đức,tiếng Anh, 1687 tiếng Pháp.

Tại sao tôi ngỡ ngàng?
Đặt câu hỏi:
Tại sao gần 400 năm trước, một ông người Ý sang một đất nước xa lạ, chả ai biết đến ở Âu Châu.
Ông về nước , viết một quyển sách, nó được in, được dịch ngay ra nhiều thứ tiếng chỉ trong vòng 50 năm.
Sách in ra , phải có người mê đọc mà mua nó.
In ra bên Ý, 2 năm sau đã tới tay người Đức.
Âu châu như thế quả là “thông thương”, nó như thể một thành phố, một nước, bất chấp ngôn ngữ khác biệt.
Giới học thức, và không những thế, lại thêm có sự say mê tìm hiểu thế giới phải rất đông. Sự giao lưu, đối thoại giữa họ hẳn phải rất khắng khít.
Sách họ đọc, trân quý, cho vào tủ, truyền đời này qua đời kia, in đi in lại.
Ý thức bảo tồn, yêu quý sách vở thật ghê gớm, lòng say mê thực cực độ.
Lại đặt câu hỏi:
Thí dụ bây giờ, một người Việt, sang Lào, viết về một quyển sách, về mang đến nhà xuất bản.
Ai sẽ in nó?
Nếu có nhà xuất bản in, bán ra.
Ai sẽ mua nó?
Số người mua nó sẽ là bao nhiêu người để nhà XB tồn tại, văn sĩ có miếng cơm?
Lại giả thử , có người mua, quyển sách đó sẽ tồn tại được bao lâu?

Khoảng cách 400 năm thật là dài.
Đó là khoảng cách về Tri Thức.
Đằng sau đó là sự đam mê và trân trọng tri thức.
Đó là sự cách biệt giữa Tây-Ta nói riêng Đông-Tây nói chung. Khoảng cách dẫn đến lạc hậu, nghèo nàn.

Nhiều thứ , nói ra chẳng phải là để.. “chê bai” chính dân tộc mình, hay phục “tây”.. tinh thần nô lệ!
Nhưng nếu hiểu nguồn gốc của sự lạc hậu để thay đổi vẫn là cần thiết.
Mà .. nói cho ngay.. hiểu biết thêm về thế giới chúng ta đang sống..
Thì cũng .. vui chứ!
Nó phong phú biết bao?

Nghĩ thế rồi, tôi quyết .. mua thứ gì trong tầm túi ..ông già về hưu.
À đây rồi!
Một bản reprint năm 1970, chụp lại ấn bản tiếng Anh 1633. Chỉ 50 đô.
Cũng xưa đấy chứ.. cũ gần 50 năm chứ ít đâu! .. Hốt liền, chờ chi nữa?
Mấy hôm sau, tiếng chuông cửa kêu reng, sách đã về! Mở ra thì thấy:
Nó được in bởi một nhà xuất bản ở Hòa Lan, được mua bởi một thư viện ở Michigan Mỹ. Thư viện thải bớt sách, qua tay một nhà sách cũ.. rồi tới tay mình
Lại sốc!

Quyển .. vừa túi tiền.
Mua … đỡ ghiền!

Sau hơn 3 thế kỷ , cái anh Hòa Lan nào đó vẫn cứ in!
Nó in bởi nó bán được; bán được là bởi, ở Hòa Lan, Mỹ hay nơi nào đó ở phương Tây, luôn có đủ người ham mê hiểu biết, cả về cái xứ cỏn con, xa lạ.
1970 nghĩa là gần 30 năm trước ấn bản tiếng Việt.
Và ấn bản tiếng Việt lại bị kiểm duyệt bớt những chỗ.. nhậy cảm.

Mà liệu đã có bao người quan tâm?

Quy Hoạch Mỹ Tho

Sau khi ký kết hiệp định Paris năm 1973, chính phủ VNCH có kế hoạch xây dựng hậu chiến.
Năm 1973 , thân phụ tôi KTS Nguyễn Thụy cùng các KTS Hoàng Hùng và KTS Đào Trọng Cương soạn một bản “khai triển tổng quát nội dung cuốn sưu ký tài nguyên” về tỉnh Mỹ Tho.
Quyển sưu ký tài nguyên này là tài liệu cho các nhà quy hoạch sau này.
Khi quy hoạch người ta phải biết tường tận, có tài liệu về rất nhiều vấn đề.
Đây không phải là chuyện “đơn giản”.
Thí dụ như sau 1975 trong bầu không khí “thắng lợi”, TBT Lê Duẩn ra quyết nghị “gom tỉnh”.
Thế là “cứ thế mà gom”!
Quảng Bình-Quảng Trị-Thừa Thiên thành Bình Trị Thiên, Quảng Nam , Quảng Ngãi thành vv.
Gom rồi tách!
Hiện tượng tỉnh nào cũng muốn có sân bay, hải cảng .. tỉnh nào cũng.. ngày nay vẫn xảy ra thường trực.

Quyển “sưu ký” này thể hiện cung cách chuyên nghiệp và bao quát.
Từ các tài liệu lịch sử, thủy văn, địa chất, văn hóa, tôn giáo.. cho đến những công tác cụ thể rất “tầm thường” như “học sinh tới trường bằng phương tiện gì?”.
Hiểu lịch sử, văn hóa.. người ta mới biết về đời sống dân cư, họ làm nghề gì , sống thế nào , kinh tế ra sao?
Hiểu tôn giáo người ta mới có thể bảo tồn di tích, quy hoạch mới cho chùa, nhà thờ vv.
Hiểu thủy văn, đia chất , thảo mộc .. người ta mới có thể quy hoạch thủy lợi, giao thông, canh nông vv.
Có biết sự phân bổ trường học, cơ quan, phương tiện giao thông .. người ta mới quy hoạch đường xá hữu hiệu..
Bởi thế , những thông tin tưởng chừng như xa, tổng hợp lại sẽ giúp cho nhà quy hoạch làm công tác của mình một cách hữu hiệu và có tầm nhìn dài hạn.

Bản sưu ký này do các kiến trúc sư thuộc lứa đầu tiên của Việt Nam, được đào tạo ở “trường mỹ Thuật Đông Dương” ( École des Beaux-Arts de l’Indochine ).
KTS Hoàng Hùng , Khóa 5 – 1935
KTS Nguyễn Thụy , Khóa 2 – 1932
KTS Đào Trọng Cương , Khóa 4 – 1934

Hàn Tín luồn trôn

nguyên bản : Phù Trung Hầu Liệt Truyện
Đoan Hùng

Phù Trung Hầu Hàn Tín, người nước Việt, tính thâm trầm, chí lớn hơn người. Thủa hàn vi, ngày ngày đọc sách, luyện kiếm, chờ thời làm nên đại sự. Thời niên thiếu, bố mẹ mất sớm, nghèo khổ nhưng vẫn nuôi chí lớn, nhất định không thèm xin vào làm công nhân ở các đặc khu kinh tế. Đói khổ, Tín thường đến xin ăn nơi quán cơm tấm sườn bì của bà Tư Phiếu, còn gọi là Phiếu Mẫu, và hứa hẹn sau này làm nên nghiệp lớn sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà Tư trách:
Cậu là thanh niên trai tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi giúp cậu chỉ vì thấy tội nghiệp chứ có mong cậu báo đáp làm chi!

Hàn Tín lạy tạ, và ngày ngày vẫn đeo gươm dạo chợ Cầu Ông Lãnh, chờ thời.
Trong số những người hàng thịt ở chợ có một người trẻ tuổi trêu Tín nói :
– Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi.

Vì Đại Cuộc
Đại Trượng Phu nào có xá chi!

Y làm nhục Tín trước mặt mọi người :
– Tín! Mày dám chết thì hãy đâm tao! nếu không dám chết thì luồn dưới háng tao đây!
Thế là Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng.
Cả chợ đều cười Tín là nhát gan.
Không ai để ý là lúc chui qua háng, Tín vẫn mặt mũi uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược,
Lẩm bẩm câu
« Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».

Lại nói về Hàn Tín, tuy nghèo khổ nhưng trong làng có một cô gái xinh đẹp, biết kẻ anh hùng nên gá nghĩa cùng Tín.
Ngày ngày nàng chăm lo đồng áng, để Tín đọc sách và mang gươm dạo chợ.
Gã hàng thịt, ngày nọ chặn đường Tín và bảo :
Này Tín! Mày không nuôi nổi thân! Nói gì nuôi vợ? Ta sắp tổ chức tuyển vợ cho đại gia nước lạ. Mày vốn xưng anh hùng, sao để lụy nữ sắc !?
Tín ngẫm nghĩ hồi lâu, nét mặt uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược.
Lẩm bẩm câu
« Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».
Tín trở về nhà bàn đại sự với vợ.
Nàng vật vã khóc lóc, nhưng cũng hiểu chí lớn của kẻ anh hùng chưa gặp thời, bịn rịn chia tay cùng Tín.
Tín thề nguyền, hẹn khi làm nên nghiệp lớn sẽ đón nàng về. Nàng khóc lớn chia tay hẹn ngày tái hợp, đại đoàn viên.
Vợ Tín đi đâu không ai rõ. Có kẻ bảo nàng sang nước Đài, kẻ bảo nàng sang nước Hàn.
Tín vẫn hàng ngày, nuôi chí lớn, dùi mài binh thư Tôn Tử, luyện kiếm đeo gươm dạo chợ. Gã hàng thịt thấy ngứa mắt lại bảo :

Chi bằng trong lúc đợi thời mày về làm tôi tớ cho ta!

Này Tín ! mày không nuôi nổi thân ! Nói gì đến nghiệp lớn ! Chi bằng trong lúc đợi thời mày về làm tôi tớ cho ta, thui lợn , mổ thịt, lại có miếng ăn.
Tín ngẫm nghĩ hồi lâu, nét mặt uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược.
Lẩm bẩm câu
« Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».
Từ đó, Tín về làm đầy tớ cho gã hàng thịt, ngày ngày quét chợ, bồng em, nấu bếp, chùi nhà.. không việc bé nào không làm.
Tối đến, múa gươm dưới ánh trăng, lại suốt đêm đọc binh thư Tôn Tử.
Lúc buồn ngủ thì lấy chùy đâm vào đùi đến chảy máu để tỉnh táo tu luyện.
Ngày ngày vừa thui chó Tín vừa trợn mắt, râu tóc dựng ngược, khảy đàn cầm, hát vang cả chợ.
« Tráng sĩ thui chó hề ! có xá gì !
Đại cục tại tâm hề ! ta cứ đi !
Chữ vàng lấp lánh hề !..».

Làng xóm bây giờ ai nấy cũng hiểu Tín và hết lòng khâm phục chí lớn kẻ trượng phu.
Thấm thoát ngày qua, Tín đã già.
Một đêm sau khi múa hết mười sáu bài quyền kiếm, đọc hết mười tám quyển binh thư, Tín lăn ra đột quỵ.


Xuống âm phủ, biết Tín là người hiền, Diêm Vương phong ngay cho Tín làm Phù Trung Hầu, giữ chức Phán Quan, quyền cao chức trọng nhất cõi âm.
Lúc Phiếu mẫu quy tiên, Tín đền ơn.
Cho bà Tư Phiếu vốn nghề quán cơm tấm, lãnh thầu dịch vụ nấu cháo lú cho cả cõi âm.
Gã hàng thịt tuy khỏe mạnh nhưng cũng không tránh khỏi ngày chầu âm phủ.
Lúc vào Phán Quan Đường gã quỳ mọp, lúc ngẩng dầu lên thấy phán quan là Tín, mặt gã tái như chàm đổ, ngỡ phen này sẽ bị bỏ vào vạc dầu đời đời kiếp kiếp.
Nào ngờ, Phù Trung Hầu Tín vội vã nâng hắn lên và bảo :
« Mười sáu chữ vàng ! Bốn tốt ! Bốn hữu ! hữu nghị ! Ni hảo ? Ni hảo ? »
Lại bảo : nhờ có ngươi mà ta nuôi chí thành nghiệp lớn… ta phải cảm ơn ngươi chứ !
Nói đoạn, Tín mời gã hàng thịt thay mình làm phán quan.
Còn Tín, cùng người vợ xưa, trải qua bao năm làm dâu xứ lạ, nay cũng về âm phủ, đại đoàn viên cùng Tín.
Cả hai cùng nhau cưỡi hạc về trời, về cõi tiên, tiếng đàn tiếng sáo vang rền khắp chốn thiên cung !

Cả âm lẫn dương gian, lúc ấy mới hiểu chí lớn kẻ anh hùng.

Hán Tín tiễn vợ đi làm dâu nước Lạ

Đăng lần đầu năm 2014 tại Diễn Đàn –
https://www.diendan.org/sang-tac/han-tin-luon-tron

Hậu Kim Vân Kiều

Đoan Hùng

Nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人) thực ra dài hơn của Nguyễn Du. Cuộc đời nàng Kiều “đại đoàn viên” là do Nguyễn Du thích có “hậu” mà bịa ra.  Thực ra nó như thế này :

Lại nói về Thúy Kiều chạy đùng đùng ra sông Tiền Đường tự vận.

Rớt xuống nước cái tùm, rủi hồi nhỏ ba Vương đã dạy bơi, bơi giỏi như rái cá. Cố hoài hổng sao chìm nổi, bèn xét lại.. hổng lẽ chết lãng xẹt một cách “nửa đời hương phấn” như dzậy sao! Nghĩ vậy nàng lại bơi vào bờ. Vừa lóp ngóp leo lên thì té ra là một quán nhậu “sinh thái” ven bờ sông .. Sài Gòn. Tình cờ gặp ngay Mã Giám Sinh đang ngồi nhậu với Sở Khanh.

Quán nhậu ven sông
Kiều gặp Mã và Sở nơi đây

Mã bây giờ là đại gia địa ốc còn Sở Khanh bây giờ làm giám đốc quy hoạch kiêm bí thư PMU35, cả hai đang ngồi bàn “dự án” với các “anh Sáu”, “anh Tư”… Xung quanh la liệt Chivas 21, hàng két bia Tai Gờ, Ken  và hàng tá các em người mẫu “chân dài đến nách, miệng rộng đến tai“, xinh như mộng !

Cả bọn , ai nấy mặt mày đỏ ké .. “dzô .. dzô“…, tay chân quờ quạng….

Tưởng cũng nên nhắc lại là Tú Bà sau bao thăng trầm nay là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị công ty TNHH Saigon Fashion and Model Agency. Chị Hai Tú cũng là má Mì của các em chân dài phục vụ cho hội nghị nhậu bữa nay. 

Kiều nhờ lại chuyện xưa, lòng xúc động tới gần định hỏi thăm người xưa.Hai gã Mã, Sở nay bụng bự, mặt mũi phương phi, nung núc thịt, đầu hói rọi , nhưng nhờ dinh dưỡng tốt nên nom còn phong độ chán. Nào ngờ hai gã chẳng nhận ra “người xưa”, Sở Khanh xua tay bảo :

« Bà già ! Không mua vé số đâu ! ».

Các em chân dài cười he hé ..

«Ngoại ơi, ngoại đi đâu mà dzô đây đó? Có vé số hông .. con mua cho ngoại !».

Nói rồi nàng thì cầm đũa gắp tôm sú hấp bia vào miệng họ Mã,  « ăn nữa đi cưng ! », nàng thì quàng vai nâng cốc rót vào miệng họ Sở : « Uống nữa đi anh Khanh.. Anh đẹp trai wá xá nè, uống nữa đi .. em thương nè, em chìu nè ».

Buồn quá, Kiều ra đường bắt xe ôm đi về am của vãi Giác Duyên trong hẻm bên Phú Nhuận mà xin tá túc. Kiều ở đó thiền với sư ông Nhị Hạnh được đúng ba ngày rồi.. cũng ớn ! Quỳ miết hai đầu gối mỏi rụi, ăn uống thì toàn là đậu phụ, tương cà. Thiệt là chịu hổng thấu !

Am vãi Giác Duyên bên Phú Nhuận

Chưa dứt lòng trần, nàng từ giã vãi Giác Duyên ra bến xe miền đông, bắt xe đò lên Tây Ninh. Lại  nói về Từ Hải sau khi lao đông học tập cải tạo thì về đó đi tu, luyện võ miên, luyện gồng cà tha đợi ngày phục hận. Từ Hải tuy nay tóc bạc trắng nhưng chưa hói .. vẫn còn râu hùm hàm én mày ngài, đẹp lão mình ở trần, bắp thịt cuồn cuộn, còn xâm con cọp há mồm trông thiệt ngầu! Nghe Kiều kể lể về hai thằng họ Mã họ Sở, Từ Hải nổi giận đùng đùng : « Ta đây .. Từ Hải ! Dọc ngang nào biết có ai trên đầu ! ».

Từ Hải

Chàng co một giò theo thế kim kê độc lập, rút dao Thái Lan sắc lẻm ra huơ một dzòng và quát lên : 

« Ui Da ! ».

Kiều hoảng kinh hỏi : « Sao dzậy ? Mèn ơi ! Chàng có làm sao hông ? ».

Từ Hải thều thào than thở : « Ta bị thoát vị cột sống ! Nàng chờ ta dăm ngày cho cái lưng đỡ đau rồi sẽ lên Sài gòn lột da chúng nó ! ».

Kiều ở lại núi Bà Đen, ngày ngày mát xa, giác hơi cho Từ Hải mà sau bảy ngày cái lưng chàng vẫn đau như dần, cái cổ cứng đơ. Muốn ngoái cổ phải .. xoay cả người, lỡ ngồi xuống ghế thì phải  vịn bàn mà .. từ từ mà đứng dậy

Thất vọng quá, Kiều xin từ giã, trở về Hà Nội gặp Thúy Vân.

Nói về chàng Kim sau ngày ngỏ lời với Kiều mà nàng cự tuyệt, chàng được cử sang Liên Xô làm Tiến Sĩ. Nay chàng đang công tác tại Bộ 4T, vẫn giữ lòng trong sạch, đã được phong « nhà giáo nhân dân », lâu lâu viết một vài bài báo cho vui. Cuộc sống tuy thanh bạch nhưng cũng… được,  nhờ Thuý Vân tần tảo mở một tiệm bán Sim cạcMô bai, hai tiệm áo quần thời trang. Hai chị em hàn huyên hàng giờ, Kiều ngỏ ý tiếc rằng ngày xưa đã cự tuyệt Kim Trọng chứ không thì nay đã « có chị có em ». Vân thở dài bảo :  « Thôi chị ơi ! ảnh hết gân rồi, chỉ mình em mà ảnh đã bữa có bữa không huống hồ thêm chị chắc em goá sớm ».

Kiều thầm thì  : « Thì chị em mình cũng già rồi, đổi duyên cầm sắt ra duyên cầm kỳ cũng có sao đâu, hủ hỉ có nhau ».

Vân chán nản bảo : « Ở đó mà cầm kỳ ! Già sanh tật ! Lão ấy bây giờ suốt ngày lê la với đám bạn già ở quán nhậu, nói một tấc tới trời, mấy chả toàn lo việc lớn không hà ! Việc nhà, tiền nong, bếp núc, con cái chỉ mình  em lo, mệt dzà rầu muốn chết ! ».

Thúy Kiều rầu quá, về lại Sài Gòn sanh sống. Lâu lâu quởn, rủ đám Mã Kiều và các chị em bạn già, cô già ra chợ ăn bún mắm và «tám chuyện» kể tội lũ đờn ông.

Dzô! Dzô đi các bà!
Có chị có em là đủ rồi.
Hổng cần thằng con .. nào hết nha
DZÔ

Triệu Đà là người Thái Bình?

zhao-tuo

Trong lịch sử Việt Nam, Triệu Đà đóng một vai trò quan trọng.
Đối với người Việt, cho dù không đọc lịch sử, thì ít nhất cũng biết về ông qua truyền thuyết “An Dương Vương- Nỏ thần-Trọng Thủy-Mị Châu”.

Sử gia xưa, từ Trần đến Lê đều coi ông như một vị vua Việt nằm trong “quốc thống”, như trong Việt Sử Lược (Trần. TK 13), Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (Lê,TK 17) [1].
Sang đến thời Nguyễn với “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (TK 19) [2], ông bị loại ra khỏi “chính thống”.
Sử gia đầu thế kỷ 20 như Trần Trọng Kim đưa ông trở lại “quốc thống”, với nhà Triệu như một triều đại Việt Nam [3].
Sử quan hiện đại loại ông ra , đưa ông thành kẻ xâm lược, mở đầu thời kỳ “bắc thuộc”[4].

Dẫu có tranh cãi vì vị thế ông, các sử gia đều thống nhất về tung tích ông.
Triệu Đà, một viên tướng Trung Quốc thời Tần (TK 3, trước công nguyên), có quê quán ở Chân Định, nay thuộc tỉnh Hà Bắc , Trung Hoa.
Nhân lúc Tần sụp đổ,  Hán Sở tranh hùng,bốn phương nổi  lên “tranh bá”,  ông chiếm cứ phương nam, chinh phục các nước, dận tộc “Bách Việt” như Mân Việt, Âu Lạc ..  lập nước Nam Việt, xưng là  “Đế“, đóng đô ở Phiên Ngung ( ở tỉnh Quảng Đông ngày nay). Hán diệt Sở , thống nhất Trung Hoa, Hán Cao Tổ (Lưu Bang) sai Lục Giả đi sứ thuyết phục ông xưng “thần”. Triệu Đà nhận “thần phục” , nhận tước  “Nam Việt Vương” , nhưng vẫn giữ độc lập. Triều đại của ông giữ được bốn đời cho đến khi bị Hán chinh phục vào năm 111 TCN.

Không ai bàn cãi về quê hương “bên Tàu” của ông, cho đến khi , với cao trào “bách việt” đang lên hừng hực, bỗng có phát hiện:
– Ông là “người Việt”!
– Chính xác hơn , gần gũi hơn nữa!  Quê hương ông nằm ở tỉnh Thái Bình, Việt Nam.
Một “phát hiện” quả tình gây chấn động!
Tác giả “Bách Việt Trùng Cửu” [BVTC] viết [5]:
“Sử ký Tư Mã Thiên chép: Vua Nam Việt họ Triệu tên là Đà người huyện Chân Định, trước làm quan úy. Thông tin thư tịch chỉ có vậy, thế mà không biết căn cứ vào đâu sách vở lại chú thích huyện Chân Định đời Tần “nay là” huyện Chính Định, Hà Bắc, Trung Quốc (?).  Triệu Đà bị biến thành người nước Triệu thời Chiến Quốc, quê gốc Hà Bắc.”

“Nam Việt Úy Đà liệt truyện chép: Bấy giờ nhà Tần đã chiếm cả thiên hạ, cướp lấy đất Dương Việt, đặt ra các quận Quế Lâm, Nam Hải và Tượng Quận.  Như vậy thời kỳ này đất Giao Chỉ đã nằm trong đất nhà Tần.  Huyện Chân Định hoàn toàn có thể nằm ở chính Giao Chỉ chứ không đâu xa.  Sự thật thì huyện Chân Định thời Tần là ở đất Thái Bình ngày nay.  Chân Định là tên cũ của huyện Kiến Xương, mãi tới thời Thành Thái (1889) mới đổi là huyện Trực Định phủ Kiến Xương tỉnh Thái Bình.”

Để kiểm chứng lập luận tác giả BVTC , chúng ta cần trả lời hai câu hỏi:

  • Sử Ký của Tư Mã Thiên viết gì về Triệu Đà?

  • Có chăng một huyện “Chân Định” đời Tần nằm ở đất Giao Chỉ?

Về 1 , tác giả quả quyết “Thông tin thư tịch chỉ có vậy”, thì tôi e rằng hoặc là tác giả đã không chịu đọc cho hết bài, nếu không muốn nói, cắt xén bớt thông tin cho vừa lập luận của mình!
Tư Mã Thiên (Sima qian [11] ) là sử gia lớn đời Hán. Tác phẩm “Sử Ký” ủa ông là “tài liệu gốc” cho các sách sử sau này . Ông sinh năm 145 TCN chỉ sau Triệu Đà một thế kỷ.
Khi ông đặt bút viết về Triệu Đà thì câu chuyện có thể gọi là “mới” xảy ra. Một chuyện “thời sự”, như thể sử gia ngày nay viết về vua Thành Thái, Khải Định triều Nguyễn [12] . Không phải là chuyện truyền thuyết vu vơ. Là sử quan nhà Hán ông có đủ những tài liệu đáng tin cậy nhất thời ấy.
Tư Mã Thiên viết về Triệu Đà trong hai “liệt truyện”:  “Nam Việt Liệt Truyện” [NVLT] [6]  và  “Lịch Sinh Lục Giả Liệt Truyện” [LSLGLT] [7].
Truyện  ‘LSLGLT’ kể về chuyến đi sứ của Lục Giả đến Nam Việt để thuyết phục Triệu Đà thuật lại:
Lục sinh nhân đấy tiến lên nói: “Túc hạ là người Trung Quốc, mồ mả thân thích anh em ở tại đất Chân Định. Nay , Túc hạ làm trái thiên tính, bỏ đai mũ, muốn lấy nước  Việt nhỏ bé chống cự với Thiên Tử làm một nước thù địch, thì tai họa sẽ đến thân đấy!”
Nguyên văn [7]:
Lục sinh nhân tiến thuyết tha viết: “Túc hạ Trung Quốc nhân, thân thích côn đệ phần tại Chân Định. Kim túc hạ phản thiên tính, khí quan đái, dục dĩ khu khu chi Việt dữ Thiên tử kháng hoành vi địch quốc, họa thả cập thân hĩ

陸生因進說他曰:”足下中國人,親戚昆弟墳在真定。今足下反天性,棄冠帶,欲以區區之越與天子抗衡為敵國,禍且及身矣”

Sau khi , thuyết thêm về thế mạnh của Hán Cao Tổ, Lục Sinh dọa tiếp!  Nếu không thần phục thì:
Nhà vua nên tiếp đón từ xa, quay mặt hướng bắc xưng “thần” mới phải, thế mà muốn lấy nước Việt mới thành lập , đang còn bất ổn chống đối. Nếu vua Hán quả biết điều đó thì sẽ sai quật thiêu mồ mả tổ tiên nhà vua, sai  một viên tướng dẫn mười vạn quân vào đất Việt. Thế thì  Việt  sẽ giết nhà vua mà hàng Hán, như trở bàn tay thôi.

Nguyên văn [7]:
Quân vương nghi giao nghinh, bắc diện xưng thần, nãi dục dĩ tân tạo vị tập chi Việt, quật cường ư thử. Hán thành văn chi, quật thiêu Vương tiên nhân trủng,  di diệt tông tộc, sử nhất thiên tướng  tướng thập vạn chúng lâm Việt, tắc Việt sát Vương hàng Hán,   như phản phúc thủ nhĩ.

君王宜郊迎,北面稱臣,乃欲以新造未集之越,屈彊於此。漢誠聞之,掘燒王先人冢,夷滅宗族,使一偏將將十萬眾臨越,則越殺王降漢,如反覆手耳

Sau đó , Triệu Đà “nghe ra”! Bỏ xưng “đế” mà nhận làm “Nam Việt Vương”.
Đoạn văn trên rất rõ. Triệu Đà là người Trung Quốc.  Đất Việt ông vừa chinh phục chưa yên , lòng người chưa phục (“..quật cường ư thử..”),  nếu ông không “thần phục” Hán, người Việt  sẽ giết ông mà hàng Hán. Mồ mả cha ông còn ở phương Bắc, trong vòng “quản lý” của Hán.
Cần nhắc lại là Triệu Đà đóng đô ở Phiên Ngung, đang thống trị cả Giao Chỉ phía Tây Nam. Nếu Chân Định  nằm ở tận Thái Bình như tác giả “Bách Việt Trùng Cửu” suy đoán , thì làm thế nào Hán có thể dọa quật mả?
Sau khi Triệu Đà thần phục và sau khi Hán Cao Tổ mất, Lữ Hậu nằm quyền chính,  cắt đứt giao thương với Nam Việt, cấm không cho mua sắt vv . Triệu Đà lại xưng là “Vũ Đế”, tấn công lên quận Trường Sa của Hán (thuộc Hồ Nam -Hunan ngày nay). Lữ Hậu sai Lâm Hi dẫn quân xuống đánh. Thua nên phải rút về.
Vua Hán, Hiếu Văn Đế lại sai Lục Giả sang thuyết phục. Trước đó , để Triệu Đà “an tâm” , ông sai giữ gìn phần mộ tổ tiên Triệu Đà, ưu đãi họ hàng Triệu Đà.
Tư Mã Thiên ghi lại trong “Nam Việt liệt truyện” như sau:
Đến năm đầu thời Hiếu Văn Đế, thiên hạ mới yên, sai sứ đi bá cáo chư hầu và tứ di biết rằng nhà vua ở đất Đại về lên ngôi, tuyên bố [chính sách] đức độ lớn lao  của vua . Nhân Đà có mồ mả cha mẹ ở Chân Định, vua sai người giữ ấp hàng năm thờ phụng. Cho vời  anh em họ hàng Đà lại , phong cho làm quan, ban cho ân sủng hậu hĩnh.

Nguyên văn [6]:
Cập Hiếu Văn Đế nguyên niên, sơ trấn phủ thiên hạ, sử cáo chư hầu tứ di tòng Đại lai tức vị ý, dụ thịnh đức yên, nãi vị Đà thân trủng tại Chân Định, trí thủ ấp, tuế thời phụng tự, triệu kỳ tùng côn đệ, tôn quan hậu tứ sủng chi
及孝文帝元年,初鎮撫天下,使告諸侯四夷從代來即位意,喻盛德焉。乃為佗親冢在真定,置守邑,歲時奉祀。召其從昆弟,尊官厚賜寵之

Sau khi được Lục Giả thuyết phục, một lần nữa Triệu Đà lại thần phục. Ông tạ tội một cách khá ngang tàng:
Thần tên là Đà, đại trưởng lão ở chốn man di. Ngày trước Cao Hậu gạt bỏ Nam Việt, thần ngờ Trường Sa vương dèm pha, lại nghe đồn Cao hậu giết hết họ hàng Đà , đào mồ mả, đốt hài cốt cha ông Đà. Vì thế liều mạng xâm phạm biên cảnh Trường Sa. Vả lại , phương nam đất ẩm thấp, giữa chốn dân man di. Phía đông , đất Mân Việt chỉ nghìn dân , xưng vương, phía tây Âu Lạc là nước trần truồng cũng xưng vương. Lão thần bèn trộm xưng làm “đế” chỉ để tự vui chứ đâu dám để nói đến tai Thiên Vương!

Nguyên văn [6]:
“Man di đại trưởng lão phu thần Đà, tiền nhật Cao Hậu cách dị Nam Việt, thiết nghi Trường sa vương sàm thần, hựu diêu văn Cao Hậu tận tru Đà tông tộc, quật thiêu tiên nhân trủng, dĩ cố tự khí phạm Trường Sa biên cảnh. Thả nam phương ti thấp , man di trung gian. Kỳ đông Mân Việt thiên nhân chúng hiệu xưng vương. Kỳ tây Âu Lạc khỏa quốc diệc xưng vương, Lão thần vọng thiết đế hiệu, liêu dĩ tự ngu. Khải cảm dĩ văn Thiên vương tai!
蠻夷大長老夫臣佗,前日高后隔異南越,竊疑長沙王讒臣,又遙聞高后盡誅佗宗族,掘燒先人冢,以故自棄,犯長沙邊境。且南方卑溼,蠻夷中閒,其東閩越千人眾號稱王,其西甌駱裸國亦稱王。老臣妄竊帝號,聊以自娛,豈敢以聞天王哉!”

Thế đã rõ!  Dẫu xưng “Man di đại trưởng lão”, ông vẫn là người Trung Quốc. Đối với ông, nước Âu Lạc ( miền bắc Việt Nam ngày nay) dẫu sao cũng chỉ là nước man di , nước “trần truồng” ( Khỏa quốc).
Thế thì cái huyện “Chân Định”, nay ở tỉnh Thái Bình , liệu có từ đời Tần như tác giả BVTC suy đoán? Dù sao cũng phải căn cứ trên tư liệu!
Căn cứ vào các sách vở thuộc loại “dư địa chí” thời nhà Nguyễn như “Đồng Khánh dư địa chí”[8],”Đại Nam Nhất Thống Chí”[9], “Phương đình dư dịa chí” [10] thì:

Huyện Chân Định xưa là đất Đặng Châu .  Đời Lê Thánh Tông (1440-1497,TK15) mới đặt làm huyện Chân Định thuộc phủ Kiến Xương.
Như thế, Địa danh “Chân định” ở tỉnh Thái Bình ngày nay chỉ có bắt đầu từ thế kỷ 15!
Khoảng 1800 năm sau đời Tần! Một khoảng cách thời gian ..quả không nhỏ!
Thế thì do đâu có miếu Triệu Đà ở Thái Bình?
Các dịch giả “Đại Nam Nhất Thống Chí” (Phan Trọng Điềm & Đào Duy Anh [hiệu đính]) cho rằng:
“Cũng là do lộn huyện Chân Định ở Trung Quốc là quê của Triệu Đà vời Chân Định ở đây mà nhiều nơi lập miếu thờ Triệu Đà”!

Phong cách nghiên cứu của tác giả “Bách Việt Trùng Cửu” mang đậm dấu ấn của  hội chứng “bách việt”! Một hội chứng có thể gọi là mang nặng tính “tự ti” mặc cảm trước văn minh Trung Hoa, mặc dù biểu hiện của nó là “tự tôn”!

Thiếu dữ liệu và phương pháp khoa học , bằng những “chứng cứ” mơ hồ, những suy luận đầy tính tư biện,  “vơ vào” .. thoạt đầu dựa trên:

Văn minh Trung Hoa là tổng hợp giữa hai nền văn minh Nam và Bắc sông Dương Tử. Điều này hẳn không sai!  Dựa trên đó lại nhập nhằng “Bách Việt”  và “Việt Nam” ngày nay! Đi xa hơn , nhiều tác giả cố chứng minh nền văn minh Trung Hoa ấy chính là Bách Việt! Tất tần tật là “Việt”!
“Kinh Dịch”, Tàu ăn cắp của Việt! Lão Tử nước Sở, người phương Nam tất cũng là người Việt. Thậm chí chữ Hán cũng là chữ Việt. Tác giả Hà Văn Thùy cho rằng “Không có cái gọi là từ Hán-Việt” [13] , với lập luận: “Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Trung Hoa! Chữ “giáp cốt” cũng là của người “Dương Việt”! Chữ tượng hình nguyên thủy ấy là của Việt! Nhà Tần vốn cũng là bộ lạc người Việt nốt! Xin trích nguyên văn:

“Thay nhà Thương, nhà Chu chuyển sang viết chữ trên thẻ tre, trên lụa, cũng sử dụng nhiều ông thầy người Việt. Nhà Tần vốn là bộ lạc người Việt, khi dựng nước đã thể chế chữ Giáp cốt thành chữ Triện tồn tại tới nay”[13]

Thực không biết các nhà “Bách Việt học” này muốn dẫn ta đến phương trời nào!
Giá thử , họ “giác ngộ” được toàn dân Trung Hoa là chính ngày xưa họ là Việt tuốt!
Mà “Bách Việt” chả chỉ thêm Việt Nam! Cả Đông Nam Á , đến Indonesia , Phi .. nơi có Trống Đồng “Đông Sơn” cũng chẳng cùng là “dân Việt” đấy sao?
Đổi tên cả nước Trung Hoa thành Việt Hoa! Đối với quốc tế , thay vì China thì gọi Vina, để về với tổ tiên! Với cội nguồn “văn minh Việt”.

Thế có được chăng?

Liệu tôi gọi khuynh hướng , “hội chứng” này là  Bách Việt Cuồng , là  BaiYue-Mania , có phải là quá đáng chăng?

——————————————————————–

[1] Sử gia thời Trần,  Lê Văn Hưu( cuối TK 13 ) xem xem Triệu Đà “mở đầu cơ nghiệp đế vương cho nước việt ta”, dẫn theo ĐVSKTT.
Trong Việt sử lược, Sử đời Trần, tác giả không rõ, cũng có chương “nhà Triệu”.  https://quangduc.com/a4699/dai-viet-su-luoc-pdf
Đại việt sử ký toàn thư (ĐVSKTT) – tk 17 – “Kỷ nhà Triệu” được xem là nối tiếp của “Kỷ nhà Thục”, https://quangduc.com/a4696/dai-viet-su-ky-toan-thu-pdf

[2]Khâm định Việt sử thông giám cương mục – Quốc sử quán nhà Nguyễn (TK 19) – không còn xem triều Triệu như triều đại “chính thống” – https://quangduc.com/a4672/kham-dinh-su-viet-thong-giam-cuong-muc-pdf

[3] Việt Nam sử lược – Trần Trọng Kim –  https://quangduc.com/images/file/oOduVYLd1AgQABwg/viet-nam-su-luoc-tran-trong-kim.pdf

[4] Đại cương lịch sử Việt Nam – Trương Hữu Quýnh, Phan Đại Doãn . NXB Giáo dục 1997.

[5] Những nỗi oan của một vị vua Việt mang tên Triệu Đà – Bách Việt Trùng Cửu- https://trithucvn.net/van-hoa/nhung-noi-oan-cua-mot-vi-vua-viet-mang-ten-trieu-da.html

[6]  Sử Ký ,  Nam Việt Liệt Truyện , bản Hán Văn – https://ctext.org/shiji/nan-yue-lie-zhuan/zh

[7] Sử Ký , Lịch Sinh Lục Giả Liệt Truyện , bản Hán Văn-  https://ctext.org/shiji/li-sheng-lu-jia-lie-zhuan/zh [8] Đồng Khánh Dư Địa Chí – Sách Địa Dư thời Đồng Khánh ( 1885-1889) – https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dhong-khanh-du-dhia-chi

[9] Đại Nam Nhất Thống Chí – Quốc sử quán triều Nguyễn – Thời Tự Đúc (1847-1883) -https://sites.google.com/site/sachsuvietnam/dai-nam-nhat-thong-chi-new

[10] Phương đình dư địa chí – Nguyễn Văn Siêu (Thành Thái 12 / 1900) – NXB Văn hóa thông tin

[11] Tư Mã Thiên

https://vi.wikipedia.org/wiki/T%C6%B0_M%C3%A3_Thi%C3%AAn

[12] Tư Mã Thiên hoàn tất tác phẩm Sử Ký khoảng năm 97 TCN. Truyện “Nam Việt” kể tích từ thời Hiếu Văn Đế sơ niên , khi Lục Giả đi sứ Nam Việt là năm 180 TCN , cách đó chưa tới 90 năm. Năm nước Nam Việt diệt vong là 111 TCN. Tức là chỉ 14 năm trước khi tác phẩm hoàn thành.  Ông quả đang viết truyện “đương thời”.

[13] Không có cái gọi là “Từ Hán Việt” – Hà Văn Thùy – https://nghiencuulichsu.com/2019/04/22/khong-co-cai-goi-la-tu-han-viet/

“Việt Hóa” địa danh trong “Nhật Ký Ði Tây” của Phạm Phú Thứ

“Việt Hóa” địa danh trong “Nhật Ký Ði Tây” của Phạm Phú Thứ

Sau 1975 nhiều địa danh trên thế giới được “Việt Hóa” , điều mà nhiều người cho là “quê kệch” , thậm chí .. dốt nát !

Chẳng hạn như Ý Ðại Lợi thành “I-Ta-Li” , Mễ Tây Cơ thành “Mê-hi-cô” , Á Căn Ðình thành Ác-hăng-ti-na , Ba Tây thành Bra-Xin

Khi yêu trái ấu cũng tròn !

Ngôn ngữ “việt cộng” nghe thực chối tai!

Rõ ra một bọn “răng đen mã tấu” , “thất học vô sản” !

Người trí thức “ưu thời mẫn thế” thì cằn nhằn, cửi nhửi là “làm tiếng việt nghèo đi”!

Nhưng ngẫm lại, có thực nhất thiết phải phiên âm tên tây theo kiểu .. tàu !?

Chẳng hạn như “Ba Tây” [巴西] đọc theo quan thoại thì là Ba-Xi ,

“Ý Ðại Lợi” [意大利] là I-Ta-Li ,

“Ba Lê” [巴黎] là Ba-Li ,

“Úc Ðại Lợi” [澳大利] là Ao-Ta-Li …vv .

Người Tàu phiên âm như thế khá chính xác còn đọc theo Hán Việt thì .. trật bét!

Thế nhưng cái bệnh “nôm na là cha mách qué” coi bộ bám rễ khá sâu, khiến cho ta vẫn thấy “nôm na” nó .. “nhà quê” chi lạ!

Thế nhưng cái sự quê kệch kia chẳng là phát kiến mới mẻ của cái anh chàng.. VC !!

Năm 1862, dưới triều vua Tự Ðức, phái bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Y Pha Nho. Cuộc hành trình này được cụ Phó Sứ Phạm Phú Thứ , ghi lại trong “Tây Hành Nhật Ký”.

Trong quyển nhật ký này cụ ghi lại các địa danh tây phương với một tinh thần có thể gọi là rất “độc lập” so với thế hệ chúng ta là con cháu cỡ 5-6 đời của cụ ! Một thế hệ .. dốt nho mà .. mê nho hơn cụ.. đồ nho!

Ông “nghè” Phạm Phú Thứ phiên âm tên đất, tên người … vv bằng âm Nôm chứ không dùng âm Hán . Một điều khá thú vị và cho thấy thành kiến về sự “mê Hán” của triều đại Nguyễn không chắc là chính xác!

Xin trích lược một số tên sau đây:

Tên gốc Phạm Phú Thứ Tên “Sang” kiểu.. Tàu
Brasil Bia Rê Diên Lô Ba Tây
Venezuela Ve Ni Du Ế La
Etats Unis (United States) Y Ta Duy Ni A Mỹ Lợi Gia
Grece Gừ Rách Hy Lạp
Allemagne An Lê manh Nhật Nhĩ Man
France Phú lãng Sa Pháp lan Tây
Italia I Ta Li Ý Đại Lợi
Turkey Tu Du Ki Thổ Nhĩ Kỳ

Tên một vài thành phố, nơi chốn :

Hannover A Nô Ve
Roma Rô Ma La Mã
Paris Pha Rí Ba Lê
Suez Xu Ết
Alexandria Á lê Xang Rí

Ði ngang Ai Cập ông ghi lại sự tích nàng Cleopatra với tên “nôm na”:

Ptoleme Lê mê
Cleopatra Cơ Lê Ô
Antoine An Toan
Octavia Ốc Tao

Vào nước Pháp trên đường đi Pha-Rí (Paris) ông đi ngang qua Li-Ông (Lyon) , Sa-Long (Chalon-sur-Saône), Di-Rôn (Dijon) , vượt sông Ma-rờ-nờ (Marne) .. đến Vi-lơ-nơ-phờ (Villeneuve) …

Ông vượt sông Xe-Nơ (Seine) mà vào Pha-Rí .

Trong thời gian ở Pha-Rí ông có dịp đi thăm rừng Bu-Linh (Boulogne), Ve-Xênh (Vincennes) , vườn Môn-Xô (Parc Monceau) . Người Pháp còn dẫn ông đi xem Ba-Lê-đu-rệt-đốt-tri (Palais de l’Insdustrie), đi thăm vườn bách thảo Ra-rờ-đanh đê pha lang tờ (Jardin des Plantes) , xem thả khinh khí cầu ở San-Ðờ-Mạc (Champ de Mars). Ðiện Tuleries thì ông gọi là Chùy-lơ-rí

Phái bộ trình quốc thư lên Napoleon III và Hoàng Hậu mà ông gọi là Quốc Trưởng và Quốc Phi, taị điện Lô-Bia-Rờ (Louvre), trong dịp hội nghị của Hội đồng lập Pháp Corps Législatif mà ông gọi là Co-le-tít-la-tít . Các nghị sĩ (député, sénateur) ông phiên là Ðề-Bô-TêXì-Na-tơ

Xong nhiệm vụ ở Phú Lãng Sa Phái bộ nước Ðại Nam sang giao hiếu với Y-Pha-Nho . Họ đi xuống Ma-Xai (Marseille) , lấy tàu đi Ba-Xờ-Lôn (Barcelona) rồi đến cảng A-Li-Căn ( Alicante) . Từ đó đáp xe lửa lên thủ đô Ma-Rí (Madrid) . Tại đây Sứ Bộ được Nữ Hoàng Y-Xà-Bẻn ( Isabelle II ) tiếp kiến . Rời Y-Pha-Nho họ lại đáp tàu qua I-Ta-Li , qua vịnh Nạp-Bồ-Lê (Napoli) , thăm núi lửa Bi-Du-vi (Vésuve), qua kênh Xu-Ết hướng đến Ấn Ðộ, ghé ngang thăm đảo Xây-Lăng (Ceylon), từ đó hướng sang đảo Xu-Ma-Tra (Sumatra) . Ông gọi đất Malaysia là Ma-La-Ca và chú thích là :”Người Thanh gọi Ma-La-Ca là Ma Lục Giáp” . Ở đây ta để ý rằng ông vẫn “bịa” ra chữ “Ma-La-Ca” thay vì dùng chữ ông bạn “đồng văn” là Ma Lục Giáp! Từ đó tàu hướng về cảng Cần Giờ mà trở về Gia Ðịnh…

Ðọc Phạm Phú Thứ tôi thục tình cảm thấy ngạc nhiên và thích thú.

Ngạc nhiên là bởi vì ở cuối thế kỷ 19 một nhà nho uyên bác, thành công rực rỡ trong khoa cử, không hề biết.. ngượng miệng khi “nôm na”!

Ông đỗ giải nguyên ( tức thủ khoa trường thi Hương) năm 1842 .

Vào thi Hội năm 1843 ông cũng lại đỗ đầu (Hội Nguyên) . Vào thi đình ông đỗ đệ tam giáp tiến sĩ.

Ngạc nhiên là bởi sang đầu thế kỷ thứ 20 các nhà “tây học” dịch các tác phẩm tây phương bằng giọng rất ư là.. Tàu!

Anna Karenia thành nàng “Kha Lệ Ninh” ,

Le Comte de Mont Cristo biến thành “Bá Tước Kích Tôn Sơn” .

Trong khi Phạm Phú Thứ phiên âm Comtesse (bà bá tước) một cách .. nhà quê và .. huỵch toẹt thành “Công-Tết”!

Ngạc nhiên là bởi sang đến thế kỷ 21 cái tinh thần gọi là “nôm na là cha mách qué” vẫn không chịu.. dẫy chết! Cho dù người ta có lên án nó một cách nặng nề, khai tử nó hàng trăm lần!

Linh Vật

linga

Lời cảnh báo:

Đây hoàn toàn là sản phẩm tưởng tượng, không có liên hệ gì với người thật việc thật. Lại càng không hề dính dáng đến việc ai đó bảo:

“Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa”

“ Giai năm thê bảy thiếp,
Gái chính chuyên chỉ có một  chồng ”.
Các cụ đã nói như thế, cấm có sai.
Có một nhà nọ, anh chồng thực là giỏi giang, ngày ngày ra sức nhậu cật lực để nuôi vợ, khổ nỗi là anh ấy bị chứng khó nói nên về đường con cái cũng khó khăn.
Vợ có  đòi hỏi thì chàng ta bảo…  Tao… làm thế mà mày không sướng à ?
Khổ nỗi chàng cứ nằm liệt, có làm gì đâu mà bảo… sướng ! Chị vợ e thẹn bảo… em chưa… thế là

“ Bốp ! Không sướng này. Bốp ! Không sướng này ! ”…
“ Hu Hu… sướng ! sướng ! ”
Anh chồng thật ra cũng khổ tâm, chạy chữa đủ đường, một ngày nọ chàng về nhà, mặt mũi hớn hở bảo “ em yêu, anh có cái này hay hay lắm, mình thử em nhé ”.
Thế là chàng âu yếm tặng vợ một chiếc hộp thật xinh, thắt nơ, dưới có hàng chữ “made in china”.
Chị vợ  hồi hộp đập hộp và rút ra một vật bằng nhựa tái chế, tròn tròn, dài dài. Vợ bẽn lẽn bảo “ Khiếp ! To thế ! Cái gì đấy anh ? ”.
Chồng tự hào bảo “ Của hiếm đó, hàng độc đó ! Anh phải khó khăn lắm mới mua được ở cửa hàng ‘sung sướng’ ! ”.
Vợ thắc mắc “ mình dùng nó ra sao nhỉ ”.
Chồng thành thạo bảo cái này là cái

“ Con… định hướng Xã Hội Hạnh Phúc ”.
Thế rồi chàng bấm nút, nó rung lên bần bật, kêu o o vang cả làng xóm.
Thế rồi
“ Ối Đau quá ! Chết em mất ! Bốp ! Không sướng này, Bốp ! Không sướng này ! Hu Hu… sướng ! sướng ! Bốp ! Sướng quá ! Em chết mất thôi ”.
Gia đình từ đó hạnh phúc tuyệt vời. Các chị em hàng xóm thì thào tám chuyện “ Nhà… sướng thật đấy, tao ở cạnh mà nghe tối nào nó cũng… bộp bộp sướng sướng, sốt cả ruột ! ”… Chị khác mắt tròn mắt dẹt bảo “ Thế à ! Chả bù lão nhà tao…”…
Trước cửa nhà, người vợ hạnh phúc và thỏa mãn chăng la liệt biểu ngữ

“ Chồng tôi là người chồng tuyệt vời ”, “ Đời đời nhớ ơn chồng đã mang lại hạnh phúc cho em ”, “ Không có gì làm em sướng hơn…”, “ Chồng vĩ đại muôn năm ”, “ Em nhất định chỉ có một chồng ! ”, “ Chồng cao cả định hướng đời em !”…

Sung sướng và thỏa mãn nhưng về đường con cái cũng vẫn chưa thấy gì, chị vợ đi khắp nơi cầu tự. Một hôm gặp một thầy bói nổi tiếng. Thầy bảo :
“Số cô có sao Hồng Tinh chiếu mệnh, Tốt ! tốt lắm. Tiền hung hậu cát. Hậu vận cô tốt ! cực tốt ! tốt lắm !
Cái linh vật mà cô dùng, cần thời gian lâu hơn chín tháng mười ngày, nhưng bù lại cô sẽ có hàng trăm đứa con khỏe mạnh, thông minh, bụ bẫm ”.

Hỏi “ Thưa thầy, bao giờ ạ ? ”
Thầy bảo…

Cuối thế kỷ !