Phù Trung Hầu Hàn Tín, người nước Việt, tính thâm trầm, chí lớn hơn người. Thủa hàn vi, ngày ngày đọc sách, luyện kiếm, chờ thời làm nên đại sự. Thời niên thiếu, bố mẹ mất sớm, nghèo khổ nhưng vẫn nuôi chí lớn, nhất định không thèm xin vào làm công nhân ở các đặc khu kinh tế. Đói khổ, Tín thường đến xin ăn nơi quán cơm tấm sườn bì của bà Tư Phiếu, còn gọi là Phiếu Mẫu, và hứa hẹn sau này làm nên nghiệp lớn sẽ trả ơn ngàn vàng. Bà Tư trách: –Cậu là thanh niên trai tráng mà không lo nổi miếng ăn thì làm sao làm nên sự nghiệp, tôi giúp cậu chỉ vì thấy tội nghiệp chứ có mong cậu báo đáp làm chi!
Hàn Tín lạy tạ, và ngày ngày vẫn đeo gươm dạo chợ Cầu Ông Lãnh, chờ thời. Trong số những người hàng thịt ở chợ có một người trẻ tuổi trêu Tín nói : – Mày tuy cao lớn lại thích mang đao kiếm, nhưng trong lòng thì nhát thôi.
Vì Đại Cuộc Đại Trượng Phu nào có xá chi!
Y làm nhục Tín trước mặt mọi người : – Tín! Mày dám chết thì hãy đâm tao! nếu không dám chết thì luồn dưới háng tao đây! Thế là Tín nhìn người kia đăm đăm, cúi xuống bò qua háng. Cả chợ đều cười Tín là nhát gan. Không ai để ý là lúc chui qua háng, Tín vẫn mặt mũi uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược, Lẩm bẩm câu « Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ».
Lại nói về Hàn Tín, tuy nghèo khổ nhưng trong làng có một cô gái xinh đẹp, biết kẻ anh hùng nên gá nghĩa cùng Tín. Ngày ngày nàng chăm lo đồng áng, để Tín đọc sách và mang gươm dạo chợ. Gã hàng thịt, ngày nọ chặn đường Tín và bảo : –Này Tín! Mày không nuôi nổi thân! Nói gì nuôi vợ? Ta sắp tổ chức tuyển vợ cho đại gia nước lạ. Mày vốn xưng anh hùng, sao để lụy nữ sắc !? Tín ngẫm nghĩ hồi lâu, nét mặt uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược. Lẩm bẩm câu « Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ». Tín trở về nhà bàn đại sự với vợ. Nàng vật vã khóc lóc, nhưng cũng hiểu chí lớn của kẻ anh hùng chưa gặp thời, bịn rịn chia tay cùng Tín. Tín thề nguyền, hẹn khi làm nên nghiệp lớn sẽ đón nàng về. Nàng khóc lớn chia tay hẹn ngày tái hợp, đại đoàn viên. Vợ Tín đi đâu không ai rõ. Có kẻ bảo nàng sang nước Đài, kẻ bảo nàng sang nước Hàn. Tín vẫn hàng ngày, nuôi chí lớn, dùi mài binh thư Tôn Tử, luyện kiếm đeo gươm dạo chợ. Gã hàng thịt thấy ngứa mắt lại bảo :
Chi bằng trong lúc đợi thời mày về làm tôi tớ cho ta!
–Này Tín ! mày không nuôi nổi thân ! Nói gì đến nghiệp lớn ! Chi bằng trong lúc đợi thời mày về làm tôi tớ cho ta, thui lợn , mổ thịt, lại có miếng ăn. Tín ngẫm nghĩ hồi lâu, nét mặt uy nghi lẫm liệt, râu tóc dựng ngược. Lẩm bẩm câu « Đại cuộc ! Đại cuộc ! Mười sáu chữ vàng ! ». Từ đó, Tín về làm đầy tớ cho gã hàng thịt, ngày ngày quét chợ, bồng em, nấu bếp, chùi nhà.. không việc bé nào không làm. Tối đến, múa gươm dưới ánh trăng, lại suốt đêm đọc binh thư Tôn Tử. Lúc buồn ngủ thì lấy chùy đâm vào đùi đến chảy máu để tỉnh táo tu luyện. Ngày ngày vừa thui chó Tín vừa trợn mắt, râu tóc dựng ngược, khảy đàn cầm, hát vang cả chợ. « Tráng sĩ thui chó hề ! có xá gì ! Đại cục tại tâm hề ! ta cứ đi ! Chữ vàng lấp lánh hề !..». Làng xóm bây giờ ai nấy cũng hiểu Tín và hết lòng khâm phục chí lớn kẻ trượng phu. Thấm thoát ngày qua, Tín đã già. Một đêm sau khi múa hết mười sáu bài quyền kiếm, đọc hết mười tám quyển binh thư, Tín lăn ra đột quỵ.
Xuống âm phủ, biết Tín là người hiền, Diêm Vương phong ngay cho Tín làm Phù Trung Hầu, giữ chức Phán Quan, quyền cao chức trọng nhất cõi âm. Lúc Phiếu mẫu quy tiên, Tín đền ơn. Cho bà Tư Phiếu vốn nghề quán cơm tấm, lãnh thầu dịch vụ nấu cháo lú cho cả cõi âm. Gã hàng thịt tuy khỏe mạnh nhưng cũng không tránh khỏi ngày chầu âm phủ. Lúc vào Phán Quan Đường gã quỳ mọp, lúc ngẩng dầu lên thấy phán quan là Tín, mặt gã tái như chàm đổ, ngỡ phen này sẽ bị bỏ vào vạc dầu đời đời kiếp kiếp. Nào ngờ, Phù Trung Hầu Tín vội vã nâng hắn lên và bảo : « Mười sáu chữ vàng ! Bốn tốt ! Bốn hữu ! hữu nghị ! Ni hảo ? Ni hảo ? » Lại bảo : nhờ có ngươi mà ta nuôi chí thành nghiệp lớn… ta phải cảm ơn ngươi chứ ! Nói đoạn, Tín mời gã hàng thịt thay mình làm phán quan. Còn Tín, cùng người vợ xưa, trải qua bao năm làm dâu xứ lạ, nay cũng về âm phủ, đại đoàn viên cùng Tín. Cả hai cùng nhau cưỡi hạc về trời, về cõi tiên, tiếng đàn tiếng sáo vang rền khắp chốn thiên cung !
Cả âm lẫn dương gian, lúc ấy mới hiểu chí lớn kẻ anh hùng.
Nguyên bản của Thanh Tâm Tài Nhân (青心才人) thực ra dài hơn của Nguyễn Du. Cuộc đời nàng Kiều “đại đoàn viên” là do Nguyễn Du thích có “hậu” mà bịa ra. Thực ra nó như thế này :
Lại
nói về Thúy Kiều chạy đùng
đùng ra sông Tiền Đường tự
vận.
Rớt xuống nước cái tùm, rủi hồi nhỏ ba Vương đã dạy bơi, bơi giỏi như rái cá. Cố hoài hổng sao chìm nổi, bèn xét lại.. hổng lẽ chết lãng xẹt một cách “nửa đời hương phấn” như dzậy sao! Nghĩ vậy nàng lại bơi vào bờ. Vừa lóp ngóp leo lên thì té ra là một quán nhậu “sinh thái” ven bờ sông .. Sài Gòn. Tình cờ gặp ngay Mã Giám Sinh đang ngồi nhậu với Sở Khanh.
Quán nhậu ven sông Kiều gặp Mã và Sở nơi đây
Mã bây
giờ là đại
gia địa ốc còn Sở Khanh bây giờ
làm giám đốc quy hoạch kiêm bí
thư PMU35, cả hai đang ngồi bàn “dự
án” với các “anh Sáu”, “anh
Tư”… Xung quanh la liệt Chivas 21, hàng
két bia Tai Gờ, Ken và hàng tá
các em người mẫu “chân
dài
đến nách, miệng rộng đến
tai“, xinh như mộng !
Cả bọn
, ai nấy
mặt mày đỏ ké .. “dzô ..
dzô“…, tay chân quờ quạng….
Tưởng cũng nên nhắc lại là Tú Bà sau bao thăng trầm nay là Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị công ty TNHH Saigon Fashion and Model Agency. Chị Hai Tú cũng là má Mì của các em chân dài phục vụ cho hội nghị nhậu bữa nay.
Kiều nhờ lại chuyện xưa, lòng xúc động tới gần định hỏi thăm người xưa.Hai gã Mã, Sở nay bụng bự, mặt mũi phương phi, nung núc thịt, đầu hói rọi , nhưng nhờ dinh dưỡng tốt nên nom còn phong độ chán. Nào ngờ hai gã chẳng nhận ra “người xưa”, Sở Khanh xua tay bảo :
« Bà già !
Không mua vé số đâu ! ».
Các
em chân dài cười he hé ..
«Ngoại ơi, ngoại đi đâu mà dzô đây đó? Có vé số hông .. con mua cho ngoại !».
Nói rồi nàng thì cầm đũa gắp tôm sú hấp bia vào miệng họ Mã, « ăn nữa đi cưng ! », nàng thì quàng vai nâng cốc rót vào miệng họ Sở : « Uống nữa đi anh Khanh.. Anh đẹp trai wá xá nè, uống nữa đi .. em thương nè, em chìu nè ».
Buồn quá, Kiều ra đường bắt xe ôm đi về am của vãi Giác Duyên trong hẻm bên Phú Nhuận mà xin tá túc. Kiều ở đó thiền với sư ông Nhị Hạnh được đúng ba ngày rồi.. cũng ớn ! Quỳ miết hai đầu gối mỏi rụi, ăn uống thì toàn là đậu phụ, tương cà. Thiệt là chịu hổng thấu !
Am vãi Giác Duyên bên Phú Nhuận
Chưa dứt lòng trần, nàng từ giã vãi Giác Duyên ra bến xe miền đông, bắt xe đò lên Tây Ninh. Lại nói về Từ Hải sau khi lao đông học tập cải tạo thì về đó đi tu, luyện võ miên, luyện gồng cà tha đợi ngày phục hận. Từ Hải tuy nay tóc bạc trắng nhưng chưa hói .. vẫn còn râu hùm hàm én mày ngài, đẹp lão mình ở trần, bắp thịt cuồn cuộn, còn xâm con cọp há mồm trông thiệt ngầu! Nghe Kiều kể lể về hai thằng họ Mã họ Sở, Từ Hải nổi giận đùng đùng : « Ta đây .. Từ Hải ! Dọc ngang nào biết có ai trên đầu ! ».
Từ Hải
Chàng
co một
giò theo thế kim kê độc lập, rút
dao Thái Lan sắc lẻm ra huơ một dzòng
và quát lên :
« Ui
Da ! ».
Kiều
hoảng kinh hỏi : « Sao dzậy ? Mèn ơi !
Chàng có làm sao hông ? ».
Từ Hải thều thào than thở : « Ta bị thoát vị cột sống ! Nàng chờ ta dăm ngày cho cái lưng đỡ đau rồi sẽ lên Sài gòn lột da chúng nó ! ».
Kiều ở lại núi Bà Đen, ngày ngày mát xa, giác hơi cho Từ Hải mà sau bảy ngày cái lưng chàng vẫn đau như dần, cái cổ cứng đơ. Muốn ngoái cổ phải .. xoay cả người, lỡ ngồi xuống ghế thì phải vịn bàn mà .. từ từ mà đứng dậy
Thất vọng quá, Kiều xin từ giã, trở về Hà Nội gặp Thúy Vân.
Nói về chàng Kim sau ngày ngỏ lời với Kiều mà nàng cự tuyệt, chàng được cử sang Liên Xô làm Tiến Sĩ. Nay chàng đang công tác tại Bộ 4T, vẫn giữ lòng trong sạch, đã được phong « nhà giáo nhân dân », lâu lâu viết một vài bài báo cho vui. Cuộc sống tuy thanh bạch nhưng cũng… được, nhờ Thuý Vân tần tảo mở một tiệm bán Sim cạc và Mô bai, hai tiệm áo quần thời trang. Hai chị em hàn huyên hàng giờ, Kiều ngỏ ý tiếc rằng ngày xưa đã cự tuyệt Kim Trọng chứ không thì nay đã « có chị có em ». Vân thở dài bảo : « Thôi chị ơi ! ảnh hết gân rồi, chỉ mình em mà ảnh đã bữa có bữa không huống hồ thêm chị chắc em goá sớm ».
Kiều
thầm thì : « Thì
chị em mình
cũng già rồi, đổi duyên cầm
sắt ra duyên cầm kỳ cũng có sao
đâu, hủ hỉ có nhau ».
Vân chán nản bảo : « Ở đó mà cầm kỳ ! Già sanh tật ! Lão ấy bây giờ suốt ngày lê la với đám bạn già ở quán nhậu, nói một tấc tới trời, mấy chả toàn lo việc lớn không hà ! Việc nhà, tiền nong, bếp núc, con cái chỉ mình em lo, mệt dzà rầu muốn chết ! ».
Thúy Kiều rầu quá, về lại Sài Gòn sanh sống. Lâu lâu quởn, rủ đám Mã Kiều và các chị em bạn già, cô già ra chợ ăn bún mắm và «tám chuyện» kể tội lũ đờn ông.
Dzô! Dzô đi các bà! Có chị có em là đủ rồi. Hổng cần thằng con .. nào hết nha DZÔ
“ Giai năm thê bảy thiếp, Gái chính chuyên chỉ có một chồng ”.
Các cụ đã nói như thế, cấm có sai.
Có một nhà nọ, anh chồng thực là giỏi giang, ngày ngày ra sức nhậu cật lực để nuôi vợ, khổ nỗi là anh ấy bị chứng khó nói nên về đường con cái cũng khó khăn.
Vợ có đòi hỏi thì chàng ta bảo… Tao… làm thế mà mày không sướng à ?
Khổ nỗi chàng cứ nằm liệt, có làm gì đâu mà bảo… sướng ! Chị vợ e thẹn bảo… em chưa… thế là
“ Bốp ! Không sướng này. Bốp ! Không sướng này ! ”… “ Hu Hu… sướng ! sướng ! ”
Anh chồng thật ra cũng khổ tâm, chạy chữa đủ đường, một ngày nọ chàng về nhà, mặt mũi hớn hở bảo “ em yêu, anh có cái này hay hay lắm, mình thử em nhé ”.
Thế là chàng âu yếm tặng vợ một chiếc hộp thật xinh, thắt nơ, dưới có hàng chữ “made in china”.
Chị vợ hồi hộp đập hộp và rút ra một vật bằng nhựa tái chế, tròn tròn, dài dài. Vợ bẽn lẽn bảo “ Khiếp ! To thế ! Cái gì đấy anh ? ”.
Chồng tự hào bảo “ Của hiếm đó, hàng độc đó ! Anh phải khó khăn lắm mới mua được ở cửa hàng ‘sung sướng’ ! ”.
Vợ thắc mắc “ mình dùng nó ra sao nhỉ ”.
Chồng thành thạo bảo cái này là cái
“ Con… định hướng Xã Hội Hạnh Phúc ”.
Thế rồi chàng bấm nút, nó rung lên bần bật, kêu o o vang cả làng xóm.
Thế rồi “ Ối Đau quá ! Chết em mất ! Bốp ! Không sướng này, Bốp ! Không sướng này ! Hu Hu… sướng ! sướng ! Bốp ! Sướng quá ! Em chết mất thôi ”.
Gia đình từ đó hạnh phúc tuyệt vời. Các chị em hàng xóm thì thào tám chuyện “ Nhà… sướng thật đấy, tao ở cạnh mà nghe tối nào nó cũng… bộp bộp sướng sướng, sốt cả ruột ! ”… Chị khác mắt tròn mắt dẹt bảo “ Thế à ! Chả bù lão nhà tao…”…
Trước cửa nhà, người vợ hạnh phúc và thỏa mãn chăng la liệt biểu ngữ
“ Chồng tôi là người chồng tuyệt vời ”, “ Đời đời nhớ ơn chồng đã mang lại hạnh phúc cho em ”, “ Không có gì làm em sướng hơn…”, “ Chồng vĩ đại muôn năm ”, “ Em nhất định chỉ có một chồng ! ”, “ Chồng cao cả định hướng đời em !”…
Sung sướng và thỏa mãn nhưng về đường con cái cũng vẫn chưa thấy gì, chị vợ đi khắp nơi cầu tự. Một hôm gặp một thầy bói nổi tiếng. Thầy bảo : “Số cô có sao Hồng Tinh chiếu mệnh, Tốt ! tốt lắm. Tiền hung hậu cát. Hậu vận cô tốt ! cực tốt ! tốt lắm ! Cái linh vật mà cô dùng, cần thời gian lâu hơn chín tháng mười ngày, nhưng bù lại cô sẽ có hàng trăm đứa con khỏe mạnh, thông minh, bụ bẫm ”.
Đoàn võ sĩ Việt Nam (từ trái sang phải) : võ sĩ Hoàng Kim Sĩ (áo trắng), võ sĩ Nguyễn Tài Thánh
Đoàn võ sĩ Việt Nam (từ trái sang phải) : võ sĩ Hoàng Kim Sĩ (áo trắng), võ sĩ Nguyễn Tài Thánh, … (ảnh : Gù Gờ)
Để giải quyết vấn đề PCI có ảnh hưởng đến danh dự quốc gia, trong hoàn cảnh hội nhập quốc tế, chính phủ VN đã mời công ty tư vấn pháp luật Trung Quốc PaoKung Int’l Law, do Bao Đại Nhân dẫn đầu sang phân xử.
Đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất, báo chí hỏi : “Thưa Bao Đại Nhân, sang Việt Nam lần này ngài có mang theo các dụng cụ nghiệp vụ như Cẩu Đầu Trảm hay Long Đầu Trảm, không ạ?”
Bao Công tuyên bố
“Không cần thiết! Làm rõ đến đâu ta sẽ trảm đến đó. Duy ta thường nghe, An Nam là một nước văn hiến lễ nghĩa. Lại có câu: Xuất ngõ ngộ anh hùng! Ta tin rằng đây chỉ là một sự hiểu lầm đáng tiếc!”.
Thế rồi Bao Công đề nghị giải quyết vấn đề theo truyền thống “sĩ khả sát bất khả nhục” và được cả hai chính phủ đồng ý.
Ngày 1.1.2009, tại hội trường Thống Nhất, hai đoàn võ sĩ Việt, Nhật cùng tiến hành nghi lễ Harakiri.
Khai mạc hội nghị, Bao Công đập bàn quát “Mang Tru Tham Kiếm ra!”
Trong tiếng chiêng trống vang rền, quân sĩ mang ra một thanh kiếm dài đến ba trượng, tỏa khí lạnh đến run người.
Bao Công lại ngửng mặt lên trời quát lớn: “Hoàng Thiên kia chẳng hại người hiền, kẻ nào mổ bụng mà chết thì kẻ ấy có tội”
Đại diện cho đoàn Nhật là võ sĩ Mashatoshi Taga tiến hành nghi lễ trước, ông cung kính cúi đầu về hướng Tokio hô to “Thiên Hoàng Vạn Tuế”.
Dứt lời, ông mổ bụng, máu phun ra có vòi.
Đại sứ Nhật Bản rút trường kiếm, chặt phăng đầu Taga, đoạn phủ gấm lên trên để mang về Tokio.
Võ sĩ Hoàng Kim Sĩ mặc áo bào trắng, đầu chít khăn trắng hiên ngang tiến ra đấu trường, dáng vẻ uy nghi lẫm liệt. Kim Sĩ cúi đầu về hướng Bắc, hô to “Đảng Cộng Sản Việt Nam Quang Vinh muôn năm! Thần xin mang cái chết để rửa sạch danh tiết”.
Nói đoạn chàng ngửa mặt lên trời, tóc râu dựng ngược, quát một tiếng to như sấm nổ, cầm Tru Tham Kiếm tung vút lến trời Thanh kiếm bay lượn trên không như một con rồng, hào quang toả chiếu và đâm vào bụng Kim Sĩ.
Một luồng bạch khí vút ra thơm nồng mùi rượu ngoại. Rồi sau đó một chiếc sừng Tê bay vút ra, trộn lẫn tay gấu hầm nhân sâm.
Kim Sĩ thò tay vào bụng rút ra trái tim bằng vàng ròng nạm kim cương tung lên trời, hào quang sáng chói. Một tiếng nổ như sấm động. Hội trường bàng hoàng như chết đứng. Kim Sĩ hiên ngang đứng dậy, mắt trợn tròn, ngửng cao đầu chờ phán quyết của Bao Đại Nhân.
Bao Thanh Thiên phán: “Hỡi ôi, Taga rõ ràng là có tội! Kim Sĩ bụng không hề phun máu, lại phun rượu chứng tỏ lòng trong sạch, trung trinh.
Bụng chứa sừng Tê ấy là kết tụ của tinh khí thiên địa, lại chứa tay gấu là do máu anh hùng đảm lược kết tụ lại mà nên. Trái tim như vàng là sự tích lũy của tinh khí âm dương của rừng vàng biển bạc, khí phách của trời Nam!”
Đoàn võ sĩ Nhật sợ mất mật, sụp xuống vái lạy đoàn An Nam. Chính phủ Nhật Bản lấy làm xấu hổ bèn tuyên bố giải ngân ngay ODA.
Kết thúc hội nghị, Bao Công đứng dậy. Dáng vẻ uy nghi đường bệ, phất tay áo, Bao đại nhân đập bàn quát to như sấm động:
“Tả hữu! Mang phong bì ra!”
Nhân việc:
Sau khi đồng chí chưa bị lộ Ng. Thành Tài tuyên bố chỉ giải quyết chuyện PCI hối lộ quan chức Việt Nam “khi bạn đưa bằng chứng” (còn phía ta không có trách nhiệm điều tra), mọi chuyện tưởng như bế tắc hoàn toàn. May sao, trong một cuộc họp nội bộ, các đồng chí Trung Quốc gợi ý một biện pháp mới giúp giải quyết vấn đề.
Ngày xửa, ngày xưa, có hai anh em nhà kia cha mẹ mất sớm, khi chia gia tài, người anh thay mặt em, quản lý hết cả nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò của cha mẹ để lại, chỉ cho người em một túp lều nhỏ và mảnh vườn, trong đó có cây khế ngọt. Người em không chút phàn nàn, ngày ngày chăm bón cho cây khế và cày thuê, cuốc mướn nuôi thân.
Năm ấy, cây khế trong vườn nhà người em bỗng sai quả lạ thường, cành nào cũng trĩu quả ngọt, vàng ruộm. người em nhìn cây khế mà lòng khấp khởi mừng thầm tính chuyện bán khế lấy tiền đong gạo.
Một hôm, có con chim phượng hoàng từ đâu bay đến mổ khế ăn lia lịa. Thấy thế, người em vừa khóc, vừa nói :
– Chim ơi ! Nhà tôi chỉ có một cây khế này thôi, tôi định bán khế lấy tiền đong gạo. Chim ăn hết thì gia đình tôi sống bằng gì ?
Chim vừa ăn vừa đáp :
– Ăn một quả khế, trả một cục vàng
May túi ba gang, mang theo mà đựng
Người em nghe chim nói vậy, cũng đành để chim ăn. Mấy hôm sau, chim lại đến ăn khế. Ăn xong chim bảo người em lấy túi ba gang đi lấy vàng. Chim bay mãi, bay mãi qua núi cao, qua biển rộng bao la và đỗ xuống một hòn đảo đầy vàng bạc, châu báu. Người em đi khắp đảo nhìn ngắm thỏa thích rồi lấy vàng bỏ đầy túi ba gang. Chim phượng hoàng bảo lấy thêm, người em cũng không lấy. Xong xuôi, người em trở về nhà.
Từ đó, người em trở nên giàu có, người em mang thóc, gạo, vàng bạc giúp đỡ những người nghèo khổ. Người anh nghe tin em giàu có liền sang chơi và đòi đổi nhà, ruộng vườn của mình lấy cây khế ngọt, người em cũng đồng ý đổi cho anh. Thế là người anh chuyển sang nhà người em. Mùa năm sau, cây khế lại sai trĩu quả, bỗng có một cụ già ăn xin râu tóc bạc phơ , dáng nghèo khổ nhưng có vẻ tiên phong đạo cốt, tới xin dăm quả. Người anh nghĩ thầm, đây hẳn là ông Bụt thử lòng mình chăng. Bèn giả vờ khóc lóc, Bụt bèn nói :
Ăn một quả khế, ỉa một cục vàng
May túi ba gang, mang theo mà đựng
Người anh mừng quá, lại nghĩ túi ba gang e bé quá và không xứng tầm Bụt.Chàng bèn đề xuất với Đảng uỷ, lập dự án xây dựng cả một hệ thống nhà vệ sinh tiền tỷ hiện đại và hoành tráng.
Quả nhiên sau mấy năm người anh trở nên giàu hàng vạn lần cậu em. Trong nhà đầy ắp vàng bạc châu báu, ngoài ngõ Bentley, Mẹc xịn đậu đầy !
Người em thấy anh thành đạt, vội vàng qua chúc mừng.
Gia đình vui vầy, chén chú chén anh, người em tò mò hỏi chuyện ông Bụt. Người anh cười hềnh hệch rồi bảo :
– Chú ngớ ngẩn lắm ! Dự án cả đấy ! Chứ tưởng.. cạp.. cứt mà giàu à ?
Tòa soạn vừa nhận đươc một tài liệu, xuất xứ không rõ ràng. Người gởi tự nhận là đã phát hiện một mộ cổ trong dịp khai quật hoàng thành Thăng Long. Mộ xây bằng hợp chất rất cứng rắn. Trong quan ngoài quách. Trong quách có một chiếc tráp, chứa một quyển “Hoàng Lê Nhất Thống Chí”. Niên đại rất sớm. Bìa phết cậy. Trang đầu có hàng chữ “Cảnh … Nguyên Niên”. Tuy mất một chữ song có thể đoán là “Cảnh Thịnh”, tức đời Tây Sơn. Ngoài ra xét về mặt tị huý học thì các chữ húy thời Nguyễn như “Ánh”, “Chủng”… không bị viết kiểu “Kính khuyết nhất bút” như lệ huý thời Nguyễn. Điều này làm cho niên đại Tây Sơn có vẻ đáng tin.
So với các bản HLNTC được lưu trữ như bàn VH789, HN832… thì bản này có đôi chút khác biệt.
Ban Biên Tập ZIDOL rất phân vân, nhiều người không tin là thật, cũng có người khuyên nên công bố để “tồn nghi”. Phần khảo đính, chú giải là do cộng tác viên ZIDOL Đoan Hùng phụ trách.
Một hôm, tiệp dư Trần Thị Vịnh sai nữ tỳ Đặng Thị Huệ bưng một khay hoa đến trước nơi chúa ngồi. Ả họ Đặng này, quê ở làng Phù Đổng, mắt phượng mày ngài, vẻ người mười phần xinh đẹp. Chúa nom thấy rất bằng lòng, bèn tư thông với ả.
Từ đó, Thị Huệ càng ngày càng được nhà chúa yêu quý, ả nói gì chúa cũng nghe và hễ có việc gì là chúa cũng bàn với ả. Rồi ả được ở chung một nơi với chúa, y như một cặp vợ chồng nhà thường dân. Xe kiệu, quần áo của ả cũng đều được sắm sửa hệt như đồ dùng của chúa.
Thị Huệ từ lúc được nhà chúa chiều chuộng, hơi có vẻ lộng hành. Hễ có chuyện gì không vừa ý, là ả xây xẩm mặt mày, rồi kêu khóc thảm thiết để làm rối lòng chúa.
Chúa có một viên ngọc dạ quang, lấy được trong khi đánh dẹp phương Nam, vẫn xâu ở trên đầu khăn làm đồ trang sức. Một hôm Thị Huệ lấy tay mân mê viên ngọc. Chúa nói :
– Nhè nhẹ tay chứ, đừng làm ngọc sây sát !
Thị Huệ bèn ném viên ngọc xuống đất mà khóc rằng :
– Làm gì cái hạt ngọc này ! Chẳng qua vào Quảng Nam kiếm trả chúa hạt khác là cùng. Sao chúa nỡ trọng của khinh người như vậy ?
Rồi ả tự ý bỏ ra ở cung khác, từ chối không gặp chúa nữa. Chúa phải dùng nhiều cách dỗ dành cho ả vui lòng, lúc ấy ả mới chịu làm lành với chúa.
Kịp đến khi Thị Huệ có mang, chúa liền sai người đi lễ khắp trăm thần để cầu sinh con thánh. Đến kỳ, ả sinh được một trai, vào năm Đinh Dậu, niên hiệu Cảnh hưng 38 (1777).
Chúa hết sức yêu mến đứa bé, lúc đầy trăm ngày, chúa lấy tên của mình lúc nhỏ là Cán mà đặt cho nó, để tỏ ra nó cũng giống mình.
Một hôm Thị Huệ ngồi trang điểm bỗng mặt hoa sa sầm, giọt lệ rơi lã chã.
Ả không nói không rằng, bỏ qua cung khác. Chúa lẽo đẽo chạy theo gặng hỏi, ả vùng vằng chẳng đáp.
Nhà Chúa bèn sai quân ra phố Hàng Đào mua hết tơ lụa về phủ, bảo cung nhân xé cho ả làm vui.
Thị Huệ chẳng hề hé nụ cười, lại còn bảo.
– Làm gì mấy thứ lụa nội hoá này. Nhà chúa sống bao lâu với thiếp mà chẳng hiểu gì cả ! Rõ thật vô tích sự ! Nhà Chúa chẳng nghe họ đổ tiếng ác cho thần thiếp là Bao Tự, Đắc Kỷ hay sao ?
Nói rồi lại vùng vằng bước đi, khóc lóc thảm thiết.
Trịnh Sâm toát mồ hôi hột, quay lại hỏi tả hữu. Có cung nhân là Lê Thị Ngọc Giao khấu đầu thưa :
– Khải Chúa ! Hôm qua Vương Phi trong lúc trang điểm bỗng thấy một sợi tóc bạc bèn khóc lóc thảm thiết.
Nhà Chúa gắt ầm lên :
– Sao lại thế được, ta đã dặn Quận Việp lúc Nam chinh phải nhớ mua tất cả cho Vương Phi rồi mà.
Tưởng cũng nên nhắc lại là ở xứ Đàng Trong có đất Quảng Nam [1] là nơi đô hội, chúa Nguyễn mở Intershop cho thương nhân đến buôn bán. Sản vật phong phú, kem dưỡng da Shiseido đến từ Nhật bản, thuốc nhuộm tóc làm bằng Hà Thủ Ô ngàn năm đến từ Tứ Xuyên, yếm nịt ngực [2] đến từ thành Pha Rí, Pháp Lan Tây, cũng có… Thật là chốn Tô, Hàng ở phương Nam.
Nhà Chúa quay sang hỏi Quận Huy, quận Huy tóat mồ hôi trán, dập đầu thưa :
– Thần nghe dạo này bọn nguỵ Nhạc dấy loạn, thuyền Quảng Nam chẳng thể về. Thêm nữa bọn nhà buôn đi tị nạn cả!
Trịnh Sâm chẳng biết làm sao, quay vào cung, lẳng lặng vuốt mái tóc huyền của Thị Huệ, mà chẳng nói một câu.
Thị Huệ gục đầu vào vai nhà Chúa nức nở.
– Tiện thiếp biết phận mình phù du, hoa kia sớm nở tối tàn, ngày nay nhờ lượng nhà Chúa thương yêu, mai kia hoa tàn nhuỵ héo, mẹ con thiếp biết thân phận ra sao. Thế Tử Cán lại ốm yếu gầy còm. Uống bao nhiêu thuốc của Hải Thượng Lãn Ông cũng không đỡ. Thái Phi Ngọc Hoan thì ngày ngày dèm pha tiện thiếp với nhà Chúa. Thiếp chỉ muốn chết đi cho xong.
Nói rồi lại vật vã khóc lóc thảm thiết.
Nhà chúa bối rối chẳng biết làm sao, bèn cho vời Tả Tư Giản Nguyễn Khản vào vấn kế.
Khản là bậc phong lưu chốn kinh thành, ngày ngày nhà Khản không bao giờ ngớt tiếng đàn, tiếng hát. Chúa rất yêu, có lần Khản thiếu trà, viết nguệch ngoạc vài chữ “thần Khản khất trà nhất lạng”, bảo tiểu đồng sang phủ chúa xin, thế mà nhà chúa cũng chẳng bắt tội khi quân.
Khản khuyên nhà Chúa nên sai hoạ sĩ vẽ tranh Vương Phi để lưu truyền nhan sắc nàng mãi mãi muôn đời. Chúa cả mừng về kể lại cho Thị Huệ, Ả ngả vào lòng nhà Chúa mà âu yếm.
Nhà Chúa sai quân ra phố Hàng Trống, Hàng Mã… mang tất cả những hoạ sĩ tài danh của đất Kinh Sư về ra mắt Thị Huệ.
Đất Thăng Long có nhiều trường phái hội hoạ. Lấy cảm hứng từ tranh “lợn gà”, có hoạ sĩ thuộc phái Đông Hồ đề nghị vẽ vương phi ôm con gà, kẻ bảo nên vẽ vương phi chăn lợn, tượng trưng phú quý vinh hoa. Lại có kẻ vẽ vương phi “hái dừa”, kẻ lấy cảm hứng từ tranh “đánh ghen”, phái siêu thực lại dùng bút pháp tranh “đám cưới chuột”… Thật là những tác phẩm đậm đà bản sắc dân tộc.
Thị Huệ sai tống ngục cả bọn, tranh thì xé tan nát cả, lại nũng nịu bảo Trịnh Sâm :
– Sao nhà Chúa không hỏi Quý Đôn, lúc Đôn đi sứ về có mang nhiều tranh tươi mát lắm mà.
Chúa mừng rỡ kêu Lê Quý Đôn vào hỏi.
Nguyên Quý Đôn là người lịch sự, từng trải, chúa rất yêu. Quý Đôn đi sứ về mang đủ thứ nước Nam không có. Xướng họa thơ văn với sứ thần Triều Tiên Hồng Khải Hy. Đôn vừa viết “Quần Thư Khảo Biện”, nhờ Hy viết tựa. Hy mến mộ tài Đôn, tặng Đôn quạt Triều Tiên và chai rượu nhân sâm “nhất dạ”. Quý Đôn dâng ngay Trịnh Sâm. Nhà Chúa dùng ngay, kiến hiệu như thần.
Đôn cũng là bạn thân với Khản, sang Bắc Kinh Đôn tìm mua ngay Kim Vân Kiều mang về tặng cho Khản. Khản rất thích, bảo :
– Tươi mát thật, chỉ hơi phiền là đệ không giấu kỹ để thằng Du nó đọc lén. Đệ đánh cho nó một trận ! Chả là cứ thấy nó cứ ngâm nga “vành ngoài bẩy chữ, vành trong tám nghề” … [3] Thế có chết hay không chứ !
Đôn bảo :
– Khổ thân thằng bé ! Huynh không biết chứ đệ phải dấm dúi cho bọn hải quan dăm gói thuốc Tam Ngũ Số mới mang về được đấy.
Khản cười, bảo:
– Cái nước mình nó thế! [4]
Trở lại chuyện nhà chúa hỏi, Đôn tâu :
– Khải Chúa ! Thần nghe rằng ở Tô Châu có nhiều hoạ sĩ. Lại có tua du lịch Hồng Kông, Tô Châu, Hàng Châu. Nhà Chúa chỉ cần cho Vương Phi, trước là sang Hồng Kông, nơi có nhiều Hoa Đà, Biển Thước mà tân trang, sau sang Tô Châu vẽ tranh. Giá cũng … mềm !
Chúa cả mừng sai Đôn tổ chức.
Không bao lâu Trịnh Sâm nhận được sớ can gián, gởi bằng I meo[5], của Vũ Quang Hầu, Tả Cố Vấn, Cơ Mật Đại Thần kiêm Hữu Ngự Sử. Sớ rằng :
“Thần nghe, Quốc dĩ dân vi bản, dân dĩ thực vi tiên. Lại nghe tua du lịch Hồng Kông giá đến cửu thập vạn ức quan. Tính ra là gấp đôi GDP của nước Đại Việt ta. Nay giặc Nhạc dấy loạn, thần trộm lo cho xã tắc”.
Nhà Chúa toát mồ hôi trán gọi Quý Đôn vào bàn bạc lại.
Quý Đôn vốn tinh thông dịch số, âm dương, bấm đốt ngón tay tính toán và tâu :
– Khải Chúa ! Vương Phi chẳng cần đi đâu hết ! Ở đất Kinh sư trong tương lai, sẽ có rất nhiều tiệm chụp ảnh. Nhà Chúa chỉ cần bỏ ra năm mươi quan là có một bộ ảnh đủ kiểu đủ dáng.
Trịnh Sâm cả mừng bảo Thị Huệ. Thị Huệ lấy làm hứng thú hỏi Đôn chừng nào có tiệm ảnh.
Đôn bấm đốt ngón tay tính toán rồi quả quyết :
– Chỉ hơn chừng hai trăm năm nữa thôi.
Thị Huệ oà lên khóc nức nở, bảo :
– Thế tóc ta bạc trắng hết còn gì !
Đôn bảo :
– Vương Phi chớ lo! Tây Dương kỹ xảo, cơ trí. Có máy Photoshop, có thể hoà hợp âm dương bát quái. Bit 0 biến thành 1 , bit 1 biến thành 0 [6]. Vương Phi trẻ lại… mấy hồi !
Đoan Hùng
Viết “nhại” theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí , và một số chi tiết khác rút từ các tác giả như Phạm Đình Hổ… etc
[1] Hội An ngày nay.
[2] Nguyên văn “Xử Tiên”, không rõ nghĩa là gì, người dịch đoán là có lẽ phiên âm từ tiếng Pháp.
[3] Du là em cùng cha khác mẹ của Khản.Các nhà nghiên cứu kẻ thì bảo Nguyễn Du sáng tác truyện Kiều thời Gia Long, người nói thời Tây Sơn. Nếu tư liệu này xác thực thì đây là bằng chứng là Truyện Kiều có thể ra đời từ thời Trịnh Sâm.
[4] Câu này nghe quá mới, tưởng như lời một nhà phê bình văn học đương đại. Thế nhưng xét lại nguyên văn “Ngã quốc chi phong, thị giã!” thì có vẻ người dịch sát nghĩa. Có thể là từ thời Lê-Trịnh đến nay một số bản sắc dân tộc không thay đổi chăng.
[5] Nguyên văn : “điện tấu”, dịch thành i-Meo, e rằng có sự lầm lẫn về thời gian. Từ Điện Tấu tra trong “Từ Hải”, “Từ Nguyên” đều không có. Có lẽ chỉ có nghĩa là Tấu nhanh như chớp mà thôi.
[6] Nguyên văn : “Hữu Phù Tô Xúc chi cơ, khả dĩ hoà hợp âm dương, bát quái nhi hoá chi, hữu thành vô, vô thành hữu, nhi biến chi”. Tham khảo các chuyên gia điện toán, đều bảo dịch thế có thể thích hợp. Nước Nam vốn nổi tiếng về sấm Trạng Trình. Quý Đôn thấy trước 200 năm không phải là chuyện lạ.